Đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đã chia sẻ tiềm năng, lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng của Ấn Độ và địa phương.
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ ảnh 1Các doanh nghiệp Ấn Độ trao đổi trực tiếp các nội dung xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Chiều 1/3, tại thành phố Nha Trang, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp hai bên với sự tham gia của một số sở, ngành các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ gồm Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và doanh nghiệp Ấn Độ.

Tại phiên thảo luận, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Nam Trung Bộ đã giới thiệu tiềm năng xuất nhập khẩu, ngành thương mại chủ lực của mình.

Đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ cũng giới thiệu về hoạt động hỗ trợ tài chính của ngân hàng đối với xuất nhập khẩu; đồng thời trình bày về cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam thông qua việc giới thiệu khu công nghiệp Gopalpur của Ấn Độ.

Báo cáo tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Kim Bích - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 của Phú Yên đạt trên 744 triệu USD, tốc độ tăng trưởng là 13,7%/năm. Thị trường xuất khẩu thủy sản chính gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Sản phẩm chủ đạo là cá ngừ đông lạnh và đóng hộp, tôm thẻ; trong đó cá ngừ chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

Tỉnh Phú Yên nhập khẩu các sản phẩm như: hạt điều thô, hóa chất, vải và phụ kiện may mặc, máy móc thiết bị, nguyên liệu thủy sản từ các nước Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Mailaysia… Thị trường xuất nhập khẩu đến Ấn Độ hầu như chưa có.

“Phú Yên có tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Ấn Độ. Thời gian tới, tỉnh mong muốn được phát triển hợp tác thương mại với các đối tác tại thị trường Ấn Độ, nhất là xuất khẩu thủy sản đồ hộp, nhân hạt điều, phân bón,” bà Nguyễn Thị Kim Bích nhấn mạnh.

[Các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ xúc tiến hợp tác trong nhiều lĩnh vực]

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Sanh cho biết hiện chưa có sản phẩm xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, tỉnh đã có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu tôm thẻ chân trắng và máy móc thiết bị điện gió, điện mặt trời từ Ấn Độ. Kết quả này cho thấy trao đổi thương mại giữa Ninh Thuận và Ấn Độ còn khá khiêm tốn.

Vì vậy, tỉnh mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm giới thiệu, hợp tác thúc đẩy trao đổi thương mại nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh qua thị trường này; xúc tiến thực hiện các dự án đầu tư tại Ninh Thuận trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu.

Hiện Ninh Thuận có một số sản phẩm tiềm năng xuất khẩu như: nha đam, măng tây, nho, táo, hành, tỏi, nước mắm, yến sào, dê, cừu, tôm giống... và một số cây trồng mới (dưa lê, dưa lưới, bí, hạt đậu các loại). Các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến trực tiếp với doanh nghiệp Ấn Độ ngay tại phiên đối thoại trực tiếp.

Đại diện tỉnh Khánh Hòa cũng chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng của Ấn Độ và địa phương. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ năm 2022 đạt trên 437.000 USD.

Với những giá trị đã đạt được trong hoạt động thương mại thời gian vừa qua, bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp của Khánh Hòa và Ấn Độ tiếp tục hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Cũng như tỉnh Khánh Hòa, hoạt động thương mại với thị trường Ấn Độ được tỉnh Bình Định phát triển trong thời gian qua. Các mặt hàng được xuất khẩu chủ yếu là rau củ quả, dệt may. Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dược phẩm, may da giày, sản phẩm từ sắt thép…

"Với các tiềm năng, lợi thế vốn có với thị trường Ấn Độ, tỉnh Bình Định hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Ấn Độ đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh để thấy được hình ảnh của Bình Định - một tỉnh vùng Duyên hải miền Trung của Việt Nam đầy tiềm năng và thân thiện," ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho hay.

Ông GunadharSena, Giám đốc Ngân hàng Ấn Độ chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông tin cụ thể về chính sách vay vốn trong hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng giữa hai nước Ấn Độ-Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay vốn khi là đối tác xuất khẩu sang Ấn Độ.

Bà Nishu Mishra thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn đặc khu kinh tế Tara Steel cũng giới thiệu về tiềm năng, giá trị của khu công nghiệp Gopalpur và mong muốn các đại biểu, doanh nghiệp của các tỉnh Nam Trung Bộ đến thăm và có những quyết định đầu tư trong tương lai.

Ở phiên đối thoại trực tiếp và theo lĩnh vực của mình, doanh nghiệp hai bên đã trao đổi về cơ hội, vấn đề pháp lý, tình hình thị trường xuất nhập khẩu...

Ngày 2/3, đoàn đại biểu Ấn Độ và doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ tham quan thực tế tại khu cảng Nam Vân phong và khu công nghiệp Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) để nắm rõ hơn điều kiện thực tế và có những quyết định đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục