Đẩy nhanh tiến trình đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus

Hai cộng đồng trên đảo Cyprus đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian, nhằm chấm dứt 40 năm hòn đảo này bị chia cắt.
Đẩy nhanh tiến trình đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus ảnh 1Tổng thống Cộng hòa Syprus Nicos Anastasiades. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai cộng đồng trên đảo Cyprus đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian, nhằm chấm dứt 40 năm hòn đảo này bị chia cắt.

Phái viên Liên hợp quốc Espen Barth Eide đưa ra thông báo trên vào ngày 17/9 sau cuộc gặp với lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp Nicos Anastasiades và lãnh đạo người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu tại vùng đệm thuộc thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus.

Ông Eide cho biết ngoài quyết định trên, ông Anastasiades và ông Eroglu cũng nhất trí tăng tần suất các cuộc gặp giữa hai bên ít nhất 2 lần/tháng.

Hai nhà lãnh đạo này cũng đã đề xuất về một loạt vấn đề nhằm kết thúc giai đoạn hai của tiến trình đàm phán hòa bình.

Bất chấp khác biệt quan điểm rõ ràng, ông Anastasiades và ông Eroglu vẫn hướng tới mục tiêu tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại như chia sẻ quyền lực, tài nguyên và điều chỉnh ranh giới giữa hai miền.

Theo ông Anastasiades, các cuộc trao đổi trong khuôn khổ cuộc gặp nói trên diễn ra trên tinh thần xây dựng và đã đề cập sự cần thiết phải tiến hành đối thoại thực chất nhằm tránh để đàm phán đình trệ như hiện nay, đồng thời nhấn mạnh muốn biết rõ lập trường của ông Eroglu tại bàn đàm phán.

Đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mục tiêu họ là bảo vệ các quyền của mình và đạt được thỏa thuận lâu dài.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc hòn đảo này và lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" của những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không được quốc tế công nhận.

Nhà nước Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Liên hợp quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp bác bỏ trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2004.

Ông Anastasiades và ông Eroglu cam kết tìm cách chấm dứt tình trạng chia cắt hòn đảo này càng sớm càng tốt khi họ khởi động lại tiến trình hòa đàm vào tháng 2/2014 sau 2 năm đình trệ, song các cuộc hòa đàm từ đó đến nay vẫn không đạt tiến bộ rõ rệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục