Ngân hàng Cộng hòa Cyprus (BOC), ngày 28/7, thông báo đã phát hành thành công đợt cổ phiếu mới trị giá 1 tỷ euro (1,34 tỷ USD), trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tiến hành các bài kiểm tra "sức khỏe" các ngân hàng quốc gia vào mùa Thu này.
BOC là ngân hàng duy nhất trên thế giới được cơ cấu lại vốn thông qua kế hoạch tịch biên một phần trong số những khoản tiền gửi lớn hồi năm 2013.
Theo thông báo trên, việc phát hành cổ phiếu thành công là do khu vực tư nhân mua tới 4 tỷ cổ phiếu thường với giá 0,24 euro/cổ phiếu. Cổ phiếu mới cũng được bán cho một loạt nhà đầu tư đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và Nga. Sự kết thúc đợt phát hành cổ phiếu mới này còn phụ thuộc vào việc bán "cổ phiếu đặc biệt" với hạn mức 20% cho các cổ đông hiện hữu. Điều này có nghĩa là những cổ đông hiện hữu đã chào mua với giá 0,24 euro/cổ phiếu sẽ được ưu tiên mua tới 20% tổng giá trị số cổ phiếu phát hành mới với điều kiện họ phải mua số cổ phiếu trị giá tối thiểu 100.000 euro. Điều khoản này còn phải được thông qua tại cuộc họp cổ đông bất thường, dự kiến vào tháng Tám.
BOC cho biết vốn nòng cốt "lớp 1" của ngân hàng đạt gần 11% tính đến ngày 31/3/2013 và sẽ lên đến 15% sau đợt phát hành cổ phiếu mới. Trong giai đoạn sau, ngân hàng sẽ chào mời 100 triệu cổ phiếu thường mới với giá 0,24 euro/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu - trừ những cổ đông sẽ tham gia kế hoạch "cổ phiếu đặc biệt 20%," trước khi BOC giới thiệu cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Cyprus và Hy Lạp.
Tuy nhiên, cả Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Cyprus và Chính phủ nước này đều hối thúc BOC khẩn trương tăng vốn trước khi Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu kiểm tra khả năng chịu đựng "sốc tài chính" đối với 124 ngân hàng của EU trong ba năm tới, bắt đầu từ mùa Thu 2014.
Các cổ đông của BOC là những người trước đây nắm các khoản tiền gửi lớn tại ngân hàng này, nhiều người trong số họ là "đại gia" Nga từng có 47,5% tổng số tiền gửi của mình bị biến thành cổ phần của BOC theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lấy việc Cộng hòa Cyprus được nhận gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ 2 tổ chức này hồi tháng 3/2013.
Sau sự kiện này, việc mua bán cổ phiếu của BOC đã bị đình hoãn, song thời hạn đình hoãn đã hết hiệu lực từ cuối quý ba năm nay. BOC hiện phải thu xếp để giới thiệu lại cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BOC Christis Hasapis cho biết đợt phát hành trái phiếu mới sẽ giúp cải thiện lòng tin của khách hàng, cải thiện nguồn vốn và là động thái quan trọng để thực hiện kế hoạch cơ cấu lại BOC.
Ngày 28/7, lãi suất vay nợ của Tây Ban Nha và Italy giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất của Bồ Đào Nha cũng tiếp tục "hạ nhiệt" do các nhà đầu tư phần nào bớt quan ngại đối với ba nền kinh tế này.
Lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã giảm từ hơn 2,5% ngày 25/7 xuống còn 2,4% trên thị trường thứ cấp, nơi các nhà đầu tư đang giao dịch nợ hiện có. Chi phí vay mượn ở Italy chạm mức thấp mới 2,6% so với mức 2,7% trước đó. Tín hiệu này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi các nhà đầu tư lo ngại Tây Ban Nha và Italy có thể theo chân Hy Lạp và Bồ Đào Nha cầu viện sự hỗ trợ tài chính quốc tế.
Trong khi đó, chi phí vay mượn của Bồ Đào Nha cũng đã giảm 3,6% ngày 25/7 xuống 3,5% sau khi nước này tuyên bố thoát ra khỏi gói cứu trợ quốc tế hồi tháng Năm vừa qua và sau khi Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's nâng mức xếp hạng này của Bồ Đào Nha nhờ sự cải thiện trong khu vực tài chính công./.