Đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình kiến tạo hòa bình

Việt Nam cũng như phụ nữ Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá có vai trò đặc biệt trong cả quá trình xây dựng đất nước cũng như gìn giữ hòa bình.
Đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình kiến tạo hòa bình ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu xem Triển lãm "Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt" . (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tối 7/12, tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: từ cam kết tới kết quả" đã diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các đại biểu tham dự đã chia sẻ ý kiến về chương trình nghị sự phụ nữ và hòa bình của Liên hợp quốc; ý nghĩa, kết quả dự kiến hội nghị này, vai trò của phụ nữ trong bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.

Vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình

Về quá trình hình thành và phát triển của chương trình nghị sự trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của quốc gia cũng như trong đời sống quốc tế, trong xây dựng, phát triển đất nước cũng như quá trình ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, vai trò của phụ nữ đã được đề cao và trở thành một trong những chủ đề của Liên hợp quốc cũng như của các diễn đàn quốc tế, tập trung vào những vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em trong chiến tranh, xung đột.

Đúng 20 năm trước, vào năm 2000, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh; trong đó ngoài việc nêu yêu cầu bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em trong xung đột cũng như trong chiến tranh, Nghị quyết còn đề cao vai trò của phụ nữ trong việc ngăn ngừa xung đột, chiến tranh cũng như trong quá trình kiến tạo hòa bình. Năm nay kỷ niệm 20 năm ngày Liên hợp quốc thông qua chương trình hành động liên quan đến vấn đề vai trò của phụ nữ đối với ngăn ngừa xung đột chiến tranh, gìn giữ hòa bình, an ninh.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, đây là lần đầu tiên một hội nghị quốc tế được Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Việt Nam tại Liên hợp quốc, có sự tham dự của khoảng hơn 400 đại biểu Việt Nam và các nước, trong đó có hơn 200 đại biểu tham gia qua hình thức trực tuyến.

Ba Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, hàng chục lãnh đạo từ cấp bộ trưởng trở lên cùng nhiều chính khách cùng tham gia hội nghị.

Hội nghị càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hợp quốc và 25 năm ngày thông qua Chương trình hành động về vấn đề bình đẳng giới tại Bắc Kinh, 20 năm thông qua Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chương trình hành động liên quan đến vấn đề phụ nữ hòa bình, an ninh.

Hội nghị cũng là dịp cộng đồng quốc tế nhìn lại những kết quả đạt được trong chương trình hành động của Liên hợp quốc và được các nước ủng hộ về vấn đề phát huy, đảm bảo vai trò của phụ nữ trong quá trình ngăn ngừa xung đột chiến tranh, bảo vệ hòa bình và an ninh; đặc biệt hơn là vào thời điểm thế giới vẫn phức tạp, vẫn còn xung đột và bị tác động rất lớn của dịch COVID-19.

[Đề xuất sáng kiến thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình]

Việt Nam cũng như phụ nữ Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá có vai trò đặc biệt trong cả quá trình xây dựng đất nước cũng như gìn giữ hòa bình. Gần đây nhất là những biểu hiện sinh động như sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc. Trong dịp này cũng diễn ra triển lãm về chương trình rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Đây cũng là một đề mục Việt Nam thúc đẩy trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an lần này, đó là vấn đề bom mìn, tái thiết sau xung đột.

Dự kiến Việt Nam sẽ tham khảo, trao đổi với các nước để đưa ra tuyên bố, trong đó có đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chương trình hành động về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên, nêu ra những định hướng trong thời gian tới.

Một điều đặc biệt, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các quá trình thương lượng giữa các nước cũng như trao đổi giữa các nước để hình thành những văn kiện quan trọng của quốc tế liên quan vấn đề bình đẳng của phụ nữ cũng như các chương trình hành động.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã đề xuất và được các nước trong Hội đồng bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết về vai trò của phụ nữ trong thời kỳ sau chiến tranh. Đó là Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh. Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm với các nước và cộng đồng quốc tế về thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống, trong kiến tạo hòa bình cũng như sau chiến tranh.

Việt Nam cũng có những đóng góp, đề xuất cụ thể trong khuôn khổ Liên hợp quốc tại các diễn đàn quốc tế, trong đó diễn đàn của nghị viện khu vực các nước ASEAN đã dành một phiên thảo luận về vai trò của phụ nữ trong đời sống quốc tế hiện nay.

Vai trò của phụ nữ là không thể thiếu trong mọi lĩnh vực

Đánh giá về vai trò của phụ nữ trong bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, thành viên Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình và hòa giải, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, vai trò của phụ nữ trong bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới càng trở nên cấp bách, cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình kiến tạo hòa bình ảnh 2Các nữ bác sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (15/10/2018). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Đại sứ nhận định, với tình hình đại dịch COVID-19 và những chuyển biến trên thế giới hiện nay, có rất nhiều thách thức mới, vấn đề mới về hòa bình, an ninh đối với phát triển, đối với sự tồn vong của con người và các cộng đồng.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, thế giới đang đứng trước vấn đề hòa bình, an ninh không còn thuần túy là chính trị hay các cuộc xung đột mà còn là hệ lụy của các vấn đề khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, bất ổn định xã hội, từ đó tạo ra những xung đột. Do đó, hòa bình, ổn định mang ý nghĩa rất rộng lớn và vai trò của phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi.

"Phụ nữ, hơn ai hết sẽ là người kết nối, gắn kết con người. Muốn có hòa bình, trước hết phải có tình hữu nghị, có hiểu biết và sự cảm thông," Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Hiện nay, trong công tác xây dựng chính sách và trong các lực lượng gìn giữ hòa bình, phụ nữ cũng đóng vai trò rất lớn. Hình ảnh những phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan đã chạm đến trái tim của rất nhiều người dân trên thế giới. Người lính-phụ nữ Việt Nam không chỉ thuần túy cầm súng để bảo vệ hòa bình mà còn giúp người dân trong đời sống. Thời gian tới, không chỉ là vấn đề giải quyết các xung đột, các nước còn phải quan tâm đến giáo dục văn hóa hòa bình, tạo dựng và xây dựng lòng tin.

Phụ nữ có thế mạnh trong những vấn đề này, do đó, vai trò của phụ nữ là rất cần thiết trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục