Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ hoặc không thu các dịch vụ phát sinh trong thời gian thực hiện biện pháp phòng dịch, bảo đảm bình ổn giá thị trường, hỗ trợ cho các nhà máy, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Theo nhà chức trách, hiện nay nhiều nhà máy, xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng sản xuất để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch, hàng hóa lưu thông bị gián đoạn, tồn đọng tại cảng hoặc thời gian giải phóng hàng chậm gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng. Các cảng thực hiện phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến,” tổ chức xét nghiệm cho người lao động làm phát sinh thêm chi phí hoạt động.
Ngoài ra, Cục Hàng hải yêu cầu trong trường hợp tăng giá dịch vụ, doanh nghiệp cảng phải thực hiện kê khai, niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.
Trước đó, để duy trì hoạt động an toàn, liên tục hệ thống cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị hiệp hội cảng biển và các doanh nghiệp cảng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và địa phương, các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho cảng biển, không để hoạt động lưu thông hàng hóa qua đầu mối cảng biển bị đứt gãy.
[Bộ Công Thương đề nghị giảm phí lưu container cho doanh nghiệp]
Trường hợp nhiều ca dương tính xuất hiện, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cảng cao, không đủ nguồn nhân lực/nguồn lực để duy trì hoạt động, doanh nghiệp cảng cần chủ động triển khai thực hiện phương án điều phối tàu thuyền, hàng hóa trong trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải ngưng hoạt động một phần hoặc toàn bộ, đảm bảo hoạt động tàu thuyền, xuất nhập khẩu hàng hóa thông suốt.
Các doanh nghiệp cảng biển chịu trách nhiệm trong việc chủ quan, lơ là không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, làm lây nhiễm dịch dẫn đến dừng hoạt động của cảng biển./.