Để ngoại giao đạt hiệu quả và toàn diện trong kỷ nguyên đa nguyên

Chủ nghĩa đa phương trong kỷ nguyên đa nguyên đòi hỏi các quốc gia nhỏ và tầm trung phải hành động sớm và dứt khoát khi đối mặt với các vấn đề mới nổi, chủ động tìm kiếm đối tác và tổ chức thực hiện.
Để ngoại giao đạt hiệu quả và toàn diện trong kỷ nguyên đa nguyên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Indianexpress)

Tạp chí Chính trị Thế giới số ra ngày 14/1/2021 đăng bài viết với nhận định rằng nhiều người kỳ vọng lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1 tới sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, cho dù chính quyền của Biden thay đổi cách nước Mỹ can dự với thế giới theo hướng hiệu quả hơn thì điều đó cũng không có nghĩa là sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo thế giới trong 4 năm qua dưới thời Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân khiến tình hình toàn cầu rối loạn.

Ngay cả cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ-Trung hay sự trỗi dậy của Nga trong trật tự quốc tế tự do cũng không phải là nguyên nhân gây nên sự rối loạn toàn cầu đó.

Thế giới đã bước vào kỷ nguyên đa nguyên, không một nước bá chủ đơn phương nào có thể giải quyết được tất cả các vấn đề toàn cầu vốn đều cần sự phối hợp hành động. Kỷ nguyên mới đã tác động sâu sắc đến cách hành xử của tất cả các nước. Các cường quốc lớn phải tự điều chỉnh cho phù hơp hơn với thế giới đa cực, còn các nước nhỏ và các nước tầm trung cần năng động, nhạy bén, tự cường hơn và sẵn sàng đóng vai trò nhiều hơn trong các vấn đề của thế giới.

Có 4 khía cạnh đa nguyên trong trật tự thế giới hiện nay:

Khía cạnh rõ nhất là tính đa cực: Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là những tác nhân chủ chốt, nhưng Đức và Pháp cũng có vai trò đôc lập bởi chính họ là cỗ máy đôi thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản, Anh và Nga có thể mất đi phần nào sức mạnh trong những thập kỷ gần đây, nhưng vẫn là những cường quốc khá mạnh.

Các nước như Ấn Độ, Nam Phi, Nigeria, Brazil, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Indonesia đều là các nước lớn ở tầm khu vực.

Khía cạnh đa nguyên thứ hai là ngày càng có nhiều vấn đề chung thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Các vấn đề như phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố vẫn là những vấn đề "nóng" trên bàn nghị sự và ngày càng trở nên phức tạp, còn các thách thức cấp thiết khác cũng đòi hỏi sự quan tâm như vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch, thương mại, di cư và bất ổn xã hội do bất bình đẳng. Sự kết nối tương hỗ giữa các vấn đề này tạo cơ hội để các nước hợp tác với nhau, nhưng cũng sẽ bộc lộ những lỗ hổng về khung pháp lý.

Giới luật sư quốc tế ngày càng lo ngại về khả năng xung đột giữa các quốc gia. Ví dụ, thế giới nên giải quyết vấn đề mầm bệnh nguy hiểm chết người và các chủng virus theo luật an toàn sinh học và y tế quốc tế hay theo các điều khoản chống khủng bố? Cơ chế thương mại quốc tế hiện nay sẽ giải quyết vấn đề giảm khí thải công nghiệp thế nào khi vấn đề này đang được quy định trong các hiệp ước về biến đổi khí hậu?

[Photo] Nhìn lại sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2020 qua hình ảnh

Khía cạnh đa nguyên thứ ba là mô hình quản trị nhiều tầng lớp. Nhà nước vẫn đóng vai trò là nhân tố chính trong hệ thống chính trị thế giới, nhưng ngày càng bị kẹt khi thực thi quyền lực của các chính phủ thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, EU, Liên minh châu Phi, chưa kể tới các nhân tố phụ khác như chính quyền cấp tỉnh, thành phố và hệ thống công đoàn. Quyền hạn của các cấp này ngày càng bị chia sẻ và trong một số trường hợp dẫn tới tranh chấp.

Khía cạnh đa nguyên thứ tư là trong mô hình quản trị nhiều tầng lớp thì đương nhiên có nhiều bên liên quan. Dù các bộ ngoại giao và quốc phòng sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm, các quan chức đứng đầu các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội doanh nghiệp, các mạnh thường quân, giới học giả và cả mạng lưới liên chính phủ đều đóng vai trò nhất định. Quản trị đa phương có thể hiệu quả hơn, quan điểm đa dạng hơn và chuyên môn sâu hơn khi đàm phán. Tuy nhiên, cơ chế này cũng làm dấy lên những lo ngại về tính hợp pháp của các bên tham gia bởi nhiều người trong số họ không phải được bầu chọn và không dễ để họ cam kết chịu trách nhiệm.

Chỉ cần nhìn vào hiện trạng giải quyết đại dịch COVID-19 là có thể thấy rõ 4 khía cạnh của cơ chế đa nguyên đang vận hành. Cách xử lý đại dịch ở mỗi nước và mỗi khu vực trên thế giới khác nhau, và việc không hề có người lãnh đạo đứng đầu chiến dịch ứng phó toàn cầu cho thấy rõ trật tự thế giới đa cực hiện nay. Điều mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi là “cuộc khủng hoảng thách thức nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ Chiến tranh Thế giới II” có nhiều ý nghĩa sâu sắc trong hàng loạt vấn đề, trong đó có sức khỏe cộng đồng, bất bình đẳng kinh tế xã hội, thương mại và nhân quyền.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EU và Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Phi đều tham gia nỗ lực chống đại dịch. Thế nhưng, quyền hạn của những tổ chức liên chính phủ này khá hạn chế và mờ nhạt nếu so với quyền lực của chính phủ từng nước, còn quyền hạn của chính phủ từng quốc gia đôi khi lại không mạnh bằng quyền lực của giới chức địa phương sở tại.

Ví dụ như ở Mỹ, có tới 2.684 cơ quan tiểu bang và liên bang chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế, nhưng thống đốc các bang và thị trưởng cách thành phố nắm hầu hết quyền lực về cảnh sát và phúc lợi công cộng.

Chỉ riêng trong vấn đề ứng phó với đại dịch cũng có thể thấy giới ngoại giao, quan chức chính phủ, các chuyên gia y tế đều đang phải hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng trung ương, các tổ chức thiện nguyện lớn như Quỹ Gates, các hãng dược, các nhà sản xuất trang thiết bị y tế và các cơ chế như liên minh vaccine Gavi hay sáng kiến phân phối vaccine quốc tế COVAX. Vậy làm thế nào để các quốc gia và các tác nhân phi quốc gia có thể hoạt động hiệu quả trong một trật tự thế giới ngày càng phức tạp và đa diện? Điều này phụ thuộc vào 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, mỗi nước cần hành động sớm và cương quyết giải quyết những vấn đề mới nổi chứ không chờ đợi được lãnh đạo, dẫn dắt. Để làm được vậy, phải nhanh chóng tìm được đối tác và kích hoạt các tổ chức ở cấp phù hợp nhất. Nghịch lý chính đối với các quốc gia hiên nay là các nước khác không thể giải quyết vấn đề cho họ, và chính họ lại không giải quyết được vấn đề của mình nếu không có sự hỗ trợ của nước khác.

Thứ hai, các bộ trưởng ngoại giao trong kỷ nguyên đa nguyên phải nắm bắt “cơ chế thích ứng”, một cơ chế tổ chức tránh quy trình quan liêu cứng nhắc để vận hành linh hoạt và thích ứng tốt hơn. Tức là, các cơ quan thuộc chính phủ và các tổ chức quốc tế cần phải nới lỏng quy trình và chính sách đã có từ trước; liên kết tìm giải pháp cho các vấn đề cụ thể và sau đó sẽ sắp xếp, kiện toàn lại để nhanh chóng đáp ứng các thách thức mới.

Thứ ba, mối tương quan giữa tính bao trùm, độ tin cậy và tính hiệu quả đòi hỏi có sự cân bằng mới giữa một nền chính trị cởi mở và khả năng kỹ trị. Tham gia vào tiến trình quản trị ở cấp độ quốc tế đòi hỏi mỗi bên liên quan phải có hiểu biết cụ thể về những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu hay tình trạng sa mạc hóa toàn cầu, những ngóc ngách trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời phải để tâm tới cả những nhóm cộng đồng và những quan điểm ít khi được bày tỏ.

Tóm lại, chủ nghĩa đa phương trong kỷ nguyên đa nguyên đòi hỏi các quốc gia nhỏ và tầm trung phải hành động sớm và dứt khoát khi đối mặt với các vấn đề mới nổi, chủ động tìm kiếm đối tác và tổ chức thực hiện để đạt được thành công, nhanh chóng thích ứng và cân bằng giữa nhu cầu cần có chuyên môn kỹ trị cao với một chính sách ngoại giao toàn diện có ý nghĩa hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục