Yếu tố nào thúc đẩy Nhật, Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau?

Nhật Bản và Mỹ đã hoan nghênh việc các cường quốc châu Âu triển khai các hoạt động hải quân theo kế hoạch trong năm nay tại vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trang mạng japantimes.co.jp đưa tin, Nhật Bản và Mỹ đã hoan nghênh việc các cường quốc châu Âu triển khai các hoạt động hải quân theo kế hoạch trong năm nay tại vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh việc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, tham vọng hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc.

Anh đã quyết định sẽ triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth và nhóm tàu tấn công tới Đông Á, trong khi Pháp sẽ cử tàu hải quân tới Nhật Bản, còn Đức sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến Ấn Độ Dương.

Yếu tố nào thúc đẩy Nhật, Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau? ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các thông báo của chính phủ các nước, tất cả các cuộc triển khai hải quân nói trên theo kế hoạch được thực hiện trong năm 2021.

Trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 15/12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói: “Nhật Bản có tiềm năng phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng với châu Âu.”

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh các nước ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nghi ngờ về mức độ đe dọa an ninh mà châu Âu cho là bắt nguồn từ Trung Quốc vì Bắc Kinh rõ ràng đang tìm cách thay đổi hiện trạng khu vực có lợi cho họ thông qua các biện pháp cưỡng bức.

Tuy nhiên, mối lo ngại đó đã được bà Kramp-Karrenbauer xoa dịu: “Những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh hưởng đến Đức và châu Âu. Chúng tôi muốn hợp tác để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

[Ý đồ đằng sau chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức] 

Ông Kishi bày tỏ hy vọng tàu chiến Đức sẽ tham gia các cuộc tập trận với Lực lượng Phòng vệ và đi qua Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng mang tính chiến lược mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng vấp phải sự phản đối của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực và các quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, chẳng hạn như Mỹ.

Trong một bước đột phá ngoại giao hiếm hoi từ Đức, quốc gia luôn hành động thận trọng kể từ Chiến tranh Thế chiến II, đặc biệt là bên ngoài khuôn khổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: “Không quốc gia nào được đặt gánh nặng lên quốc gia khác khi theo đuổi các tham vọng kinh tế và an ninh.”

Rõ ràng, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đang đề cập việc Bắc Kinh quân sự hóa các tiền đồn ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông và nhiều lần xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, một nhóm các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Những lo ngại về việc Trung Quốc sa thải các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, cũng được cho là đã đóng một vai trò trong quyết định của London về việc triển khai nhóm tàu sân bay đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tàu chiến mới nhất và lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ chở một phi đội F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Tương tự, trước việc tàu tấn công đổ bộ 45.000 tấn của Mỹ tại Sasebo, Tây Nam Nhật Bản, chở những chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ, ông Michito Tsuruoka, Phó Giáo sư về an ninh quốc tế và chính trị châu Âu tại trường Đại học Keio, cho rằng các lực lượng hải quân Anh-Mỹ sẽ tham gia các hoạt động hàng hải chung có sự góp mặt của máy bay chiến đấu F-35B ở Tây Thái Bình Dương - một sứ mệnh mà hai đồng minh đã nhiều lần thực hiện ở Đại Tây Dương.

Đề cập kế hoạch tái trang bị 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để chúng có thể mang F-35B, Giáo sư Tsuruoka nêu rõ: “Sẽ rất hợp lý nếu Nhật Bản, Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tập trận chung liên quan đến các loại vũ khí này và cải thiện khả năng tương tác giữa các lực lượng của 3 nước.”

Trong một diễn biến tương tự, theo tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản, Mỹ và Pháp sẽ tiến hành huấn luyện đổ bộ trên một hòn đảo hoang ở Tây Nam Nhật Bản vào tháng Năm tới, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng nỗ lực làm suy yếu sự quản lý của Tokyo đối với quần đảo Senkaku.

Yếu tố nào thúc đẩy Nhật, Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau? ảnh 2Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: The Japan Times/TTXVN)

Ngoài yếu tố Trung Quốc, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng mối quan hệ Nhật Bản-châu Âu ngày càng gia tăng là do các quốc gia châu Âu nhận thấy lợi ích trong việc bán vũ khí cho Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với chi tiêu quốc phòng liên tục lập kỷ lục trong những năm gần đây trước những thách thức về an ninh do các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tháng 11/2019, Nhật Bản và Anh đã tổ chức triển lãm thiết bị quốc phòng đầu tiên ở Nhật Bản với sự tham gia của khoảng 50 nhà sản xuất vũ khí trong nước và 100 nhà sản xuất vũ khí nước ngoài, trong đó có BAE Systems PLC và Rolls-Royce PLC của Anh.

Cuộc triển lãm tương tự lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Năm tới. Trong khi đó, một số nhà phân tích đánh giá việc Thủ tướng (Nhật Bản) Yoshihide Suga miễn cưỡng trong việc khiêu khích Trung Quốc - rõ ràng là do mối quan hệ kinh tế sâu sắc của Tokyo với Bắc Kinh và vai trò của Toshihiro Nikai, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền thân Trung Quốc - là một yếu tố đáng lo ngại đối với việc củng cố hợp tác an ninh giữa Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giáo sư Tsuruoka nói: “Tokyo tuyên bố hoan nghênh sự hiện diện nhiều hơn của hải quân châu Âu trong khu vực, nhưng giới truyền thông đã chỉ ra khả năng cắt giảm quy mô và hạ cấp các cuộc tập trận có sự tham gia của Anh và Pháp vì lo ngại sẽ kích động Trung Quốc… Nhật Bản dường như không có ý tưởng rõ ràng về những gì họ chuẩn bị và sẵn sàng hợp tác với hải quân Anh và Pháp, điều đó khiến họ bối rối.”

Tuy nhiên, yếu tố Trung Quốc có khả năng thúc đẩy quan hệ an ninh giữa châu Âu và Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ - 4 nền dân chủ lớn trong khu vực, song các chuyên gia bày tỏ sự dè dặt về ý tưởng thể chế hóa và mở rộng nhóm Bộ Tứ này.

Andrew Oros, Giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại trường Cao đẳng Washington (Mỹ), nói: “Tôi không nghĩ sẽ hiệu quả nếu cố gắng mở rộng nhóm Bộ Tứ chính thức, đặc biệt là đối với các cường quốc châu Âu có ít lợi ích chung hơn.”

Ông nói thêm rằng người châu Âu “có thể tạo ra sự khác biệt lớn” bằng cách hạn chế xuất khẩu liên quan đến quốc phòng và chuyển giao công nghệ quân sự cho Bắc Kinh khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1 tới và có thiên hướng nhấn mạnh nhiều hơn đến các liên minh và chủ nghĩa đa phương của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục