“Để tự hào hàng Việt”: Bài toán của doanh nghiệp

Để hàng nội có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại, doanh nghiệp phải là người đi đầu bằng việc nâng cao chất lượng, đặc biệt là việc làm tốt chính sách hậu mãi.

“Để tự hào hàng Việt” là chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/10.

Các vấn đề như:thế nào là hàng “Made in Vietnam”? Làm gì để hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng ngoại... được nhiều độc giả quan tâm. 

Cuộc giao lưu trực tuyến nhằm làm rõ nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chủ trương của Bộ Chính trị, với sự tham dự của nhiều vị khách mời là nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Thế nào là “Made in Vietnam”?

Trả lời cho câu hỏi thú vị này của độc giả đến từ Thái Nguyên, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, không nên và không thể quan niệm rằng, hàng Việt Nam là phải được sản xuất hoàn toàn trong nước, từ nguyên liệu đến thành phẩm.

“Trên thế giới không có nước nào mà chỉ dùng sản phẩm trong nước và chúng ta cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 lại cho rằng, nếu sản phẩm có kết tinh trí tuệ, công sức của người Việt Nam thì đều có thể coi là hàng Việt Nam.

Để làm rõ khái niệm này, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu phân tích: Theo quy định của ASEAN, là sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% thì được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Khu, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là nhanh chóng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tiến tới dần dần thay thế linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Thay đổi tâm lý sính ngoại?

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, để thay đổi cho tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng trong nước, cần nhìn từ hai góc độ:

Từ phía cơ quan truyền thông cũng như các hội, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…cần đưa ý thức dùng hàng Việt vào trong nhà trường để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Về doanh nghiệp, cũng phải thể hiện vai trò của mình như cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, có chương trình khuyến mại tốt và làm cho người tiêu dùng tin cậy. Bên cạnh đó phải tăng cường có hiệu lực các biện pháp chống hàng giả, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao niềm tin vào hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phải chứng minh bằng những việc làm cụ thể trong thời gian tới.

Ở một góc độ khác, ông  Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, vấn đề  giải tỏa tâm lý "sính ngoại" cần quá trình chuyển đổi lâu dài, “không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ ai” và bên cạnh  đó thì việc bảo vệ người tiêu dùng là hết sức cần thiết để cuộc vận động thành công.

Bảo vệ được người dùng là thành công của doanh nghiệp

Thừa nhận tâm lý “sính ngoại” của người Việt, song ông Khu cũng khẳng định các doanh nghiệp không thể bắt người tiêu dùng dùng hàng kém chất lượng, giá cả không phù hợp.

“Về phía doanh nghiệp, không thể bắt người tiêu dùng dùng hàng kém chất lượng, giá cả không phù hợp. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm cao hơn. Phải chăm lo đầu tư, chăm lo quản trị, chất lượng, thương hiệu, hậu mãi thì dân mới tin dùng. Khi người tiêu dùng ủng hộ sẽ là động lực cho nhà sản xuất, nhưng nhà sản xuất vẫn phải là người đi đầu”, ông Khu khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc cà phê Trung Nguyên lại đề cập đến hệ thống phân phối còn yếu kém là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước thất bại trước các đối thủ cạnh tranh. Ông Nguyên Vũ cho rằng “doanh nghiệp cần phải lưu ý tránh tình trạng tất cả hệ thống phân phối do nước ngoài kiểm soát, bởi  “cái gì nằm trên kệ ( trong các siêu thị) thì sống, còn rơi khỏi kệ sẽ bị triệt tiêu”.

“Đề người tiêu dùng mua hàng Việt, chúng tôi đưa ra các yêu cầu để doanh nghiệp phấn đấu, như quản lý sản phẩm theo các tiêu chuẩn ISO, SA, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, quy trình quản lý chặt chẽ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để chúng ta ngày càng có nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao”, ông Khu nói.

Vai trò của nhà nước

Ông  Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu đưa ra kiến nghị, Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn cho sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, bởi theo ông, “doanh nghiệp còn nhiều vất vả, vốn liếng có hạn, và có những sản phẩm phẩm chỉ có 15% nguyên phụ liệu đầu vào do trong nước sản xuất”.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu khẳng định: Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý sản xuất, vừa chỉ đạo thực hiện lưu thông phân phối, xuất nhập khẩu, có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong cuộc vận động này”.

Ngoài ra, Hai văn bản quy phạm pháp luật có tác dụng lớn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc vận động là Nghị định công  nghiệp hỗ trợ và Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được Bộ Công Thương xây dựng để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét. Ngoài ra, các Bộ, ngành đang trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, Bộ Công Thương sẵn sàng cùng doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài có trình độ công nghệ, khả năng sản xuất mặt hàng tốt hơn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức đưa hàng Việt tới vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế  cho hay, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chúng ta không thể phân biệt đối xử giữa hàng nội và hàng ngoại vì như thế không phù hợp với các cam kết gia nhập WTO. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thể áp dụng các biện pháp về thuế quan, phi thuế quan trong phạm vi cam kết WTO mà vẫn bảo vệ hàng hóa trong nước.

Ông Phụng dẫn chứng, Luật Thuế giá trị gia tăng đã mở rộng diện chịu thuế đối với hàng nhập khẩu. Đó là một trong những kênh đảm bảo hàng trong nước có điều kiện phát triển. Trong phạm vi cho phép, chúng ta vẫn giữ mức thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết để bảo vệ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm tra chống nạn hàng giả, hàng nhập lậu.

“Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là Nhà nước có cơ chế chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thực tế, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã đứng vững trên thị trường nội địa và cạnh tranh tốt với hàng ngoại.”, ông Phụng nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục