Đề xuất hơn 6.200 tỷ đồng đầu tư tuyến đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh

Dự án đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh được đầu tư kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Cà Mau, Cao tốc Chơn Thành-Rạch Giá, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1.

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường cao tốc được đầu tư và đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường cao tốc được đầu tư và đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1.

Theo phương án đề xuất, dự án có tổng chiều dài gần 27km. Điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 (lý trình N2) gần mố A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu dự án cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng tính toán, dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (gồm dự phòng) khoảng hơn 969 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị hơn 3.894 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là gần 582 tỷ đồng; phí dịch vụ là gần 4,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng là gần 760 tỷ đồng.

Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc khoảng hơn 4.462 tỷ đồng sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT) và dự phòng phần vốn ODA.

Phần vốn đối ứng khoảng hơn 1.747 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí giám sát thi công); chi phí quản lý, chi phí tư vấn trong nước như chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng và dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1 là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.

“Dự án Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh được đầu tư kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Cà Mau, Cao tốc Chơn Thành-Rạch Giá (Rạch Sỏi-Kiên Giang), góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1, kết nối giao thông với các trục dọc-ngang, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đã và đang triển khai,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1730/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1 sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 6.209,7 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và tính chính xác của các thông tin, số liệu trong báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế (như chiều dài, hướng tuyến, các yếu tố kỹ thuật trên cơ sở giải pháp thiết kế), bảo đảm hiệu quả đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục