Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không tạo rào cản cho doanh nghiệp.
Ông Đông cho biết hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đặc biệt là điều kiện kinh doanh với ngành ôtô.
Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất xem xét bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dư luận đặt câu hỏi quy định này sẽ tác động như thế nào đối với những nhóm lợi ích khác nhau như lợi ích của nhà nước, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Huy Đông Đông, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, khi chính sách ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến những nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng Chính phủ phải căn cứ từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu; trong đó, có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô...
"Hơn nữa, theo quy định của Luật Đầu tư, việc điều chỉnh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoạt động diễn ra thường xuyên phù hợp tình hình diễn biến kinh tế. Do vậy, tùy từng giai đoạn kinh tế phù hợp mà những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể đưa ra, bỏ vào danh mục là điều bình thường. Việc đưa ngành nghề này vào danh mục nhằm đưa ra cơ sở pháp lý quản lý, không tạo rào cản cho doanh nghiệp,” ông Đông cho biết.
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh việc ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp cho người tiêu dùng được sử dụng ôtô với giá cả và chất lượng hợp lý hơn hiện nay. Không có chuyện độc quyền hay lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đáp ứng đòi hỏi của người dân và đại biểu Quốc hội, sau cuộc họp với Uỷ ban kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng tác động của ngành nghề này nhưng chưa thể đánh giá cụ thể, chi tiết.
“Vì thời gian ngắn nên báo cáo khó định lượng, chủ yếu là định tính, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục. Theo luật, điều kiện này không phải đánh giá, nhưng để tăng tính thuyết phục, chúng tôi đã làm thêm đánh giá tác động,” ông Hùng cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đưa ngành nghề này vào danh mục ngành nghề kinh doanh không phải gấp gáp, trước đó đã có sự tham vấn, bàn luận với các bộ liên quan, cân nhắc kỹ trước khi đưa vào./.