Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành đã quy định rất rõ về việc người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nói về vấn đề này, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, với quan điểm về xây dựng một nhà nước văn minh, phục vụ. Do vậy, bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó thì cần phải xin lỗi trước và không để người dân xin mình mới phục vụ.
Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã có một số trao đổi với phóng viên để hiểu rõ hơn về công tác đền bù oan sai.
- Thời gian qua có rất nhiều vụ oan sai như vụ Huỳnh Văn Nén hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)… Tuy vậy, căn cứ để bồi thường oan sai chưa đủ nên việc giải quyết khó khăn. Vậy ông có thể nói rõ hơn về góc độ pháp luật khi thực hiện công việc này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Đây là một bộ luật khó bởi chúng ta bàn đến trách nhiệm của các chủ thể trong lĩnh vực này mà nếu trách nhiệm liên quan đến thiệt hại trong hợp đồng khác hẳn với việc ta làm sai gây thiệt hại, dẫn đến bồi thường, bồi hoàn.
Ai cũng mong muốn mình không sai và có sự cò kè bởi các vụ việc như vậy liên quan đến nhiều chi phí và chi phí nào cũng lớn.
Một người vào tù phải xét xử nhiều thứ. Nhiều vụ một người vào tù mấy năm, về nhà gia đình tan nát rồi tài sản tiêu tán... cho nên có những vấn đề không thể tính bằng tiền.
Trên thực tế, có thể những thiệt hại nhìn thấy ngay, trong thời gian ngắn có thể khắc phục nhưng có những thiệt hại không thể khắc phục được đã dẫn đến việc phải trao đổi, thương lượng.
Thông thường người dân tham gia chỉ đi kêu thôi chứ không chuẩn bị để sau này có bồi thường hay không. Do vậy, những hóa đơn, chứng từ rồi cả việc thuê luật sư... đều là khó khăn cho người dân. Cho nên khi xây dựng luật phải làm sao cân bằng được thiệt hại trong khó khăn.
- Theo ông, chúng ta có cần phải quy định lấy hóa đơn hay không khi phải tính những chi phí nhiều như vậy?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng có những việc không cần hóa đơn. Ví dụ có những khoản phải thuê khoán, vậy tại sao chúng ta không làm như vậy? Tức là chúng ta tính ra một khoản tổng sau đó Nhà nước làm trọng tài để xem xét làm sao người dân không thiệt quá, Nhà nước cũng không phải chi quá nhiều, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
- Thực tế nhiều vụ sau khi được minh oan, người oan sai rất cần một số tiền mưu sinh và đề nghị tạm ứng, nhưng cơ sở pháp luật chưa có?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng nên có cơ chế tạm ứng vì người ta khi đã đến được công lý thì nhiều người đã kiệt quệ cả sức khỏe và kinh tế, tình cảm sứt mẻ nhiều. Do vậy, chúng ta phải làm sao để giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
- Chúng ta đang nói đến cơ chế bồi thường về vật chất chứ tinh thần chưa được quan tâm, như vậy cần có hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Bồi thường tinh thần là khó khăn. Đây là yếu tố chỉ ước lượng chứ khó cân đo đong đếm nỗi đau thế nào. Theo tôi cũng nên đặt ra một cái gì đó để ước lượng về vấn đề này, tiến tới sẽ hoàn thiện dần và bước đầu đặt ra để người ta có thể khắc phục được.
- Hiện nay cá nhân thực thi công vụ gây ra oan sai phải bồi thường. Vậy khi thực hiện liệu có khả thi không, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta thấy trước tiên Nhà nước phải đứng ra bồi thường, sau đó quy định trách nhiệm bồi hoàn của công chức Nhà nước, trực tiếp thực hiện công vụ để gây ra thiệt hại từ quản lý Nhà nước đến các lĩnh vực tố tụng và thi hành án.
Trong luật lần này tôi cho là các nội dung đã cụ thể và đáp ứng yêu cầu hơn so với trước đây.
- Xin cảm ơn ông./.