'Đến khi nào Quốc hội không phải tiếp nhận phản ánh về nhà siêu mỏng?'

Người đứng đầu Bộ Xây dựng thừa nhận chất lượng và thực hiện quy hoạch đô thị kém khiến vẫn còn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, quy hoạch chi tiết đô thị bị điều chỉnh nhiều lần.
'Đến khi nào Quốc hội không phải tiếp nhận phản ánh về nhà siêu mỏng?' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội nhắc tới tình trạng các khu đô thị nhiều "không" như: không cơ sở hạ tầng, không bệnh viện, trường học. Ngoài ra, thực tế vẫn xuất hiện tình trạng  nhà siêu mỏng, siêu méo dọc các con đường.

Đó là những vấn đề được gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6.

Chất lượng quy hoạch thấp

Vấn đề quy hoạch trong đó có tình trạng nhà siêu mỏng là thắc mắc được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng nêu lên với người đứng đầu ngành xây dựng.

Vị đại biểu cũng đặt câu hỏi, tới khi nào Quốc hội không phải nhận được những thông tin như trên?

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cũng lên tiếng chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng với vấn đề quy hoạch tại đô thị.

[Hà Nội yêu cầu xử lý 63 trường hợp nhà 'siêu mỏng, siêu méo' mới]

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, những năm qua, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng và đạt được kết quả tích cực với hơn 800 khu đô thị.

Theo ông, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, đời sống của nhân dân đô thị được nâng cao hơn.

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận tình trạng được các đại biểu Quốc hội nêu lên.

Nguyên nhân theo ông bởi chất lượng quy hoạch còn thấp. Khi lập quy hoạch, các cơ quan chưa dự báo chưa đúng tốc độ tình hình phát triển, tình hình tăng dân số, dẫn tới tính toán sai về cấu trúc, không gian, chỉ tiêu hạ tầng...

Chất lượng quy hoạch thấp theo ông cũng do hệ thống quy chuẩn, đơn giá, kỹ thuật xây dựng lạc hậu. Điều này khiến quy hoạch có sai sót.

Bộ trưởng cũng không phủ nhận việc thực hiện cắm mốc thực địa, công khai quy hoạch, thực hiện quy chế quản lý đề án kiến trúc quy hoạch còn kém.

Bởi thế, có tình trạng, khu đô thị không kèm với hạ tầng xã hội, giải phóng mặt bằng nhưng không thu hồi hết đất dọc đường dẫn đến nhà siêu mỏng, siêu méo.

Qua đó, giải pháp được Bộ trưởng nêu lên là nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

"Tôi cũng như cử tri và nhân dân mong muốn sớm hạn chế tiêu cực trong phát triển đô thị," ông nói.

Ông cũng bày tỏ hy vọng, sắp tới khi pháp luật được hoàn thiện hơn, các cơ quan phối hợp chặt chẽ và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì những hạn chế sẽ giảm đi.

Quy hoạch bị điều chỉnh theo ý chủ đầu tư?

Cũng liên quan tới vấn đề trên, nghi vấn được đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu lên với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh nhiều lần có thể theo ý chủ đầu tư không?

Riêng với vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng Bộ chưa có thông tin đầy đủ về vấn đề trên nhưng cũng không loại trừ. Theo ông, trong năm 2019 và 2020, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết một số khu đô thị lớn để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Ở hướng khác, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) nêu lên câu hỏi: Số lượng nhà chung cư cũ, xuống cấp trầm trọng còn rất lớn. Thậm chí, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khu đã xuống cấp tới mức cực kỳ nguy hiểm nhưng vẫn phải chờ vì thiếu kinh phí cải tạo. Bộ trưởng có giải pháp gì với vấn đề trên?

Nói về nội dung này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, theo thống kê, cả nước hiện có hơn 2.000 chung cư trong diện nguy hiểm. Bộ trưởng nhận trách nhiệm, Bộ Xây dựng chưa kịp thời phối hợp với các địa phương để xử lý vấn đề trên.

Tuy nhiên, điểm "tắc" nhất theo ông là không đảm bảo được hài hoà lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp khi cải cạo chung cư cũ.

Với giải pháp, ông Hà cho biết sẽ phối hợp với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu cụ thể việc cải tạo chung cư cũ để để xuất Chính phủ các giải pháp mới, cơ chế chính sách mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục