Đi tìm động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể song đi cùng với đó là những thách thức mới xuất hiện.
Đi tìm động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ, việc tiếp cận hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua còn phiếm diện, ngắn hạn và cục bộ,chưa tận dụng được hết các cơ hội do đó công tác ứng phó với những biến động từ khu vực và quốc vẫn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ.

Quyết tâm của Đảng và Chính phủ vẫn xác định, chủ độnghội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước, tăng sức mạnh quốc gia, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

[Xây dựng kế hoạch nắm bắt tri thức cách mạng 4.0 cho công nhân]

Bài 1:‘Hậu’ WTO và nguy cơ tụt hậu so với khu vực

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể song đi cùng với đó là những thách thức mới xuất hiện.

Do cam kết trong WTO rất rộng, trong đó lĩnh vực tài chính là một trong những lĩnh vực chủ chốt nên việc tuân thủ các cam kết đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác điều hành chính sách cũng như chính sách tài khóa, chính sách quản lý giá, quản lý thị trường dịch vụ tài chính.

Đi tìm động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Môi trường cạnh tranh hơn

Dưới tác động thực thi cam kết WTO cũng như đàm phán, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thể chế kinh tế của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.

Không chỉ hướng tới việc thực hiện các cam kết quốc tế, Chính phủ đã đi trước một bước thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, chủ động chuẩn bị cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (từ năm 2014) đã thể hiện quyết tâm bằng việc gắn với tiêu chí đánh giá phổ biến tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tháo gỡ những rào cản bất hợp lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả, môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh, Việt Nam đã tăng 9 bậc (năm 2016) và tăng 14 bậc  (năm 2017) lên vị trí 68/190 quốc gia trong Bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, hơn thế các lĩnh vực nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã mạnh tới 81 bậc và tiếp cận điện năng tăng 32 bậc (năm 2017).

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới có nhiều bất lợi, khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo théo suy thoái kinh tế làm giảm. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì xu hướng tăng với tốc độ tăng bình quân 16,6%/năm  trong giai đoạn 2007-2017. (Báo cáo của Bộ Công Thương).

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù mức tăng trưởng trên có thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu thì mức tăng trưởng này là rất ấn tượng.

Bên cạnh đó, với định hướng đầu tư và sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng hóa đạt trung bình 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%/năm).

Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nhập siêu so với GDP đã giảm liên tục từ mức 20% năm 2007-2008) xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1%-1,2% GDP ( năm 2012-2017), kết quả này có sự cải thiện so với giai đoạn 2000-2006 (thâm hụt thương mại trung bình khoảng 8% GDP).

Đi tìm động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới ảnh 3

Tăng trưởng chỉ dựa vào vốn và lao động

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cũng bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng bình quân đạt 6,04% (giai đoạn 2007-2016) thấp hơn mức 7,27% (giai đoạn 2001-2006).

Theo Nhóm nghiên cứu từ tiến sỹ Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, “tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học, công nghệ thấp hơn so với nhiều nước khác.”

Nhìn chung các chuyên gia kinh tế chỉ ra, tăng trưởng kinh tế vẫn dựa theo chiều rộng với các ngành công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động.

Điểm đáng lưu ý, Nhóm nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

“Mặc dù đã đạt được các kết quả tích cực về phát triển kinh tế, tuy nhiên, tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp và chênh lệch khá lớn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc 728 USD/ năm 1996  lên mức 7.572 USD/năm 2014. Tại Thái Lan, GDP bình quân đầu người tăng từ mức 3.026 USD/năm 1996 tăng lên 5.550 USD/năm 2014, trong khi tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người mới đạt 2.215 USD/năm 2016,” ông Thuận cho biết.

Theo ông Thuận, việc thực hiện các cam kết hội nhập cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, môi trường đầu tư được cải thiện và nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Song, điều này dẫn đến khối ngoại dần đóng vai trò lớn trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ trọng đã tăng từ mức 14,9% (năm 2005) và 16,2% (năm 2006) lên 30,9% (năm 2008) và  23,4% (năm 2016).

Đi tìm động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tăng cường đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp

Trước những thách thức trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan trực tiếp đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội luật hoá theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên,.

Theo Bộ trưởng, các địa phương cần chú trọng việc lồng ghép việc thực thi các Chương trình hành động vào các kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tăng cường hơn nữa khả năng tận dụng các ưu đãi trong các Hiệp định kinh tế thương mại mà Chính phủ đã ký kết. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận cạnh tranh và tìm cách vươn lên trong cạnh tranh, bao gồm cả việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và kết nối với bên ngoài.

Trong quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường đổi mới công nghệ, chủ động ứng phó với các rủi ro.

“Cuối cùng, doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ và biết đối thoại pháp lý để đối phó với những rào cản thương mại mới, đặc biệt là các hàng rào phi thuế quan trong quá trình hội nhập. Hỗ trợ của Chính phủ sẽ thiếu ý nghĩa nếu bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nhu cầu, khó khăn và thách thức của mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài 2: ‘Ách tắc’ từ trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục