Thủ đô London đã có một đêm khá yên tĩnh sau ba đêm không ngủ nhờ lực lượng cảnh sát được tăng cường. Tuy nhiên, bạo động tiếp tục diễn ra tại các thành phố thuộc các tỉnh miền Trung nước Anh. Với các biện pháp cứng rắn, cuộc bạo động thời bình tại Anh có thể sớm được dập tắt, nhưng gốc rễ của vấn đề khó có thể được giải quyết một sớm một chiều với các chính sách hiện nay của chính phủ. Lo sợ và giận dữ... Đó là câu trả lời cửa miệng của những người dân Anh mà chúng tôi đã được gặp tại những nơi diễn ra bạo động thuộc các quận ngoại ô phía Bắc, Đông và Tây của London những ngày qua. Tất cả đều mong muốn nhanh chóng hết giờ làm việc, đi chợ mua đồ và sớm trở về nhà trước khi thành phố lên đèn. Không ai muốn ra đường vào lúc nhá nhem, ngoại trừ những thanh thiếu niên nghịch ngợm, sẵn sàng tham gia vào những trò đập phá và quậy phá. Anh Paul Lewis, một cư dân trên phố London Road thuộc quận Croydon mở lời bằng hai từ “Tồi tệ!” khi nói về những gì xảy ra trên con phố này đêm hôm trước. Anh cho biết: “Hơn 20 năm sống trên con phố này, chưa bao giờ tôi cảm thấy nguy hiểm và không được bảo vệ như thế này.” Còn ông Duncan Mundell, chủ cửa hang bị đốt cháy đêm 8/8 tại khu vực Clapham, nói với các phóng viên rằng ông cảm thấy thất vọng tràn trề khi chứng kiến cửa hàng tan thành tro bụi. “Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải chứng kiến thực tế đau lòng này tại London,” ông Duncan cho biết. Sự giận dữ của người dân Anh không chỉ dành cho những kẻ nổi loạn điên cuồng mà còn trút lên các nhà lãnh đạo Anh và lực lượng cảnh sát. Dù phải cắt ngắn kỳ nghỉ hè cùng gia đình trở về giải quyết bạo động nhưng Thủ tướng David Cameron, Phó Thủ tướng Nick Clegg và Thị trưởng London Boris Johnson cũng không tránh được sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân khi thị sát thực địa ngày 9/8. Họ giận dữ bởi chính phủ đã có những điều chỉnh chính sách quá mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ và gia đình. Họ giận dữ bởi lực lượng cảnh sát đã không thể bảo đảm an ninh cho bản thân họ và công việc làm ăn của họ. Nhiều học giả và cả những người dân đã phải thốt lên rằng lực lượng cảnh sát Anh đã và đang “nhường quyền kiểm soát nhiều tuyến phố cho các nhóm tội phạm.” Các cửa hàng trên các tuyến phố thuộc các khu có bạo động đều phải “cửa đóng then cài” cả khi trời chiều còn nắng. Giới báo chí mô tả London những ngày qua giống như “một vùng chiến sự.” Bản thân nhóm phóng viên chúng tôi cũng phải giật mình khi một nhóm thanh niên bịt mặt đội mũ kín đầu “lăm le tiếp cận” khi đang tác nghiệp trên phố Deptford High Street tại Lewisham. Rất may có xe tuần tra của cảnh sát đi qua kịp thời nên chúng tôi có thể rút lui an toàn.
Vì đâu nên nỗi? Cuộc bạo động được cho là bắt nguồn từ vụ thiệt mạng của Mark Duggan khi đụng độ với cảnh sát hôm 4/8 và vụ biểu tình phản đối trước trụ sở cảnh sát quận Tottenham một ngày sau đó. Thực tế, sự việc này chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly đựng đầy sự giận dữ của người dân Anh trước các chính sách của chính phủ liên minh kể từ khi lên cầm quyền. Kể từ khi liên minh lên nắm quyền cách đây hơn một năm, nước Anh đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên; các cuộc đình công của công nhân đường sắt, nhân viên bưu điện và đặc biệt là hai cuộc tuần hành thu hút hàng trăm ngàn người tham gia phản đối các chính sách cắt giảm ngân sách, tăng học phí đại học, cải cách lương hưu của chính phủ. Và giờ đây nó đã lên tới đỉnh điểm là bạo động trên đường phố... Mỗi sự kiện nói trên đều có nguyên nhân của nó nhưng nó có điểm chung là diễn ra trong bối cảnh chính phủ cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ và thực hiện hàng loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử. Các quan chức chính phủ Anh biết rất rõ rằng họ đang tham gia vào một canh bạc, và rằng các chính sách của họ có nguy cơ châm ngòi cho tình trạng bất ổn trên một quy mô chưa từng thấy kể từ vụ bạo động tại quận Brixton, London, khu vực có đông người da màu, cách đây 30 năm. Nhìn lại các khu vực xảy ra bạo động tại London, dễ dàng nhận thấy rằng đó là các khu vực ngoại ô, chủ yếu là những người có thu nhập thấp và trung bình. Nếu nhìn vào cơ sở hạ tầng tại một số tuyến đường ở các khu vực này, ít ai có thể nói đây là thủ đô của một quốc gia phát triển như nước Anh. Chất lượng dịch vụ công đã thua kém các quận nội thành lại càng kém hơn khi ngân sách cắt giảm; thất nghiệp trong giới trẻ tại các khu vực này cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Bản thân những khu vực này từ trước tới nay đã là các điểm nóng về ma túy, cướp bóc, trấn lột. Do đó, sự bùng phát bạo động ở các khu vực này không phải là điều khó hiểu. Một nguyên nhân nữa chính là cách hàng xử của cảnh sát sau cái chết oan uổng của Mark Duggan. Kết luận mới nhất công bố ngày 9/8 trái ngược hoàn toàn với những kết luận ban đầu. Mark Duggan đã không nổ súng vào cảnh sát trước khi anh ta bị bắn chết. Là người da màu, cái chết của Mark Duggan như dầu đổ thêm vào ngọn lửa bất bình với cách hành xử đôi khi có sự phân biệt màu da - theo đánh giá của học giả Anh - của lực lượng cảnh sát, đặc biệt là từ khi đạo luật “chặn và kiểm tra” được áp dụng, cho phép lực lượng này có quyền tối thượng. Quyền tối thượng đó đã khiến cho vô số người, không chỉ người dân Anh mà cả khách du lịch, phải “bẽ mặt” khi bị còng tay về đồn giải thích. Những ngọn lửa bạo động ở xứ sương mù sẽ còn nhen nhóm đâu đó và có thể tiếp tục lan rộng nhưng cũng có thể sẽ sớm được dập tắt nhờ các biện pháp mạnh tay, quyết liệt của chính phủ và lực lượng cảnh sát hiện nay. Người dân Anh mong muốn bình yên sớm trở lại trên những con phố thân thuộc, tất nhiên sự bình yên đó cần phải có những điều chỉnh chính sách của chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay./.
Lê Dương/London (Vietnam+)