Dịch COVID-19: Các nước châu Âu siết chặt lệnh cấm đi lại

Bất chấp các chương trình tiêm chủng vắcxin bắt đầu được triển khai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến các quốc gia này phải siết chặt các quy định về đi lại.
Dịch COVID-19: Các nước châu Âu siết chặt lệnh cấm đi lại ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại London (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 22/12 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 77.686.670 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.708.235 ca tử vong. Số ca bình phục là 54.561.725 ca.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Mỹ và châu Âu, bất chấp các chương trình tiêm chủng vắcxin đang bắt đầu được triển khai. Mỹ tiếp tục là tâm dịch lớn nhất của thế giới, với 18.454.626 ca mắc và 326.668 ca tử vong.

Tờ New York Times đưa tin Mỹ ghi nhận hơn 250.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/12 vừa qua, gần gấp đôi số người được tiêm vắcxincùng ngày. Bang New York, từng là điểm nóng dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm trước, tiếp tục chứng kiến hơn  6.000 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 mỗi ngày kể từ ngày 15/12.

Thống đốc Andrew Cuomo đã hối thúc giới chức liên bang cấm các chuyến bay đến từ Anh hoặc yêu cầu hành khách trên các chuyến bay này phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh sau khi Anh phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại bang Tennessee, Thống đốc Bill Lee đã ký một lệnh hành pháp hạn chế tụ tập ở một số không gian công cộng, song không áp dụng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở bang này tăng kỷ lục với hơn 4.100 ca mắc mỗi ngày.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.075.422 ca mắc và 146.145 ca tử vong, Brazil với 7.264.221 ca mắc và 187.322 ca tử vong, Nga với 2.877.727 ca mắc và 51.351 ca tử vong.

[Tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 50.000 ca]

Trước tình hình dịch nóng lên ở Anh, Thụy Điển thông báo sẽ tạm thời không cho phép những người nước ngoài từ Anh và Đan Mạch nhập cảnh vào quốc gia Bắc Âu này. Chính phủ Bỉ cũng quyết định gia hạn lệnh cấm đi lại bằng máy bay và tàu hỏa từ Anh thêm 24 tiếng, cho đến hết ngày 22/12.

Bên cạnh đó, chỉ những người sinh sống tại Bỉ sẽ được phép nhập cảnh vào nước này từ ngày 23-31/12. Kể từ ngày 1/1/2021, những đối tượng khác sẽ được phép nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian gần đây. Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo hoạt động hàng không giữa nước này với Anh và Nam Phi tạm ngừng hoạt động.

Tại Bắc Mỹ, Canada phong tỏa toàn tỉnh Ontario - tỉnh đông dân nhất - trong hai tuần (từ ngày 26/12 đến ngày 9/1/2021), trong đó tại các khu vực phía Nam như Toronto và Ottawa, lệnh phong tỏa có hiệu lực tới ngày 23/1/2021. Với lệnh phong tỏa này, người dân Ontario được khuyến cáo ở tại nhà nhiều nhất có thể, tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp thiết yếu sẽ có giới hạn nghiêm ngặt về công suất hoạt động.

Các trường học sẽ đóng cửa các lớp học trực tiếp, các trường tiểu học trên toàn tỉnh và các trường trung học ở khu vực phía Bắc sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến tới ngày 11/1/2021. Các trường trung học ở khu vực phía Nam sẽ tiếp tục học từ xa tới ngày 25/1. Các cuộc tụ họp ở không gian trong nhà bị cấm với những người không phải là thành viên trong hộ gia đình. Người dân được phép tụ tập ở ngoài trời với số lượng lên tới 10 người, nhưng phải duy trì giãn cách xã hội. Các siêu thị được phép hoạt động với 50% công suất.

Trong bối cảnh nhiều nước lên kế hoạch cấm bay hai chiều tới Anh và siết chặt hạn chế phòng dịch dịp cuối năm, ngày 21/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Anh chưa phải đã vượt ngoài tầm kiểm soát và vẫn có thể được khống chế bằng các biện pháp hiện có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục