Trong nhiều năm qua, chưa lúc nào Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn như thời điểm này - khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở nhiều nơi, đe dọa sức khỏe, tâm lý của nhiều người, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều địa phương, bộ, ngành.
Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra lời kêu gọi cả nước tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19 như "chống giặc." Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt nhưng cũng đầy ân tình để mọi người tham gia trước hết bằng sự tự nguyện, thể hiện tấm lòng của mình đối với đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tự nguyện cũng cần nêu cao hơn nữa sự tự giác, ý thức giữ gìn của cộng đồng và cũng đòi hỏi mỗi người cần bình tĩnh hơn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng và kỷ luật hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức này của dân tộc.
Những ngày qua, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Âu, đang bùng phát mạnh mẽ dịch bệnh COVID-19 thì Chính phủ Việt Nam đã quyết định dang tay đón nhận nhiều kiều bào, du học sinh đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài về nước. Điều này thể hiện rõ tính nhân văn cao cả, phát huy tinh thần và truyền thống tốt đẹp luôn đùm bọc, nghĩa tình, gắn bó keo sơn được hun đúc qua ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
[Quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19]
Trên thực tế, cùng với việc đón các kiều bào, du học sinh đang ở vùng dịch về cũng kèm theo nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, thế nhưng khi về đến đất nước, một số ít cá nhân không những không bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng tình cảm nơi đất Mẹ mà còn có thái độ chưa đúng mực. Thậm chí, có người hách dịch, trịch thượng đòi hỏi phải có một chế độ phục vụ đặc biệt, trong khi cả hệ thống chính trị đang vất vả lo toan để bảo đảm an toàn, che chở cho họ trong khó khăn.
Bên cạnh đó, khi về nơi cách ly theo quy định, nhiều gia đình đã bày tỏ lo lắng thái quá, liên tục kéo nhau đi tiếp tế đồ ăn, nhu yếu phẩm, thuốc, vật tư y tế dẫn đến cảnh tượng chen lấn, không đẹp mắt.
"Làn sóng" tiếp tế này vừa khiến các ngành chức năng không kiểm soát được nguồn lây bệnh cũng như vệ sinh-an toàn thực phẩm, vừa tạo ra tâm lý so đo và những hình ảnh phản cảm; đồng thời tạo thêm áp lực trong công tác quản lý của các đơn vị quân đội - lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đã ra thông báo xử nghiêm các trường hợp không chấp hành cách ly; không nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung; khuyến khích ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó cho thấy, đoàn kết và tinh thần kỷ luật là sức mạnh để chiến thắng bệnh tật mà Chính phủ đang quyết tâm chỉ đạo.
Hơn lúc nào hết, giờ là lúc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí và kỷ luật trong phòng, chống dịch. Đoàn kết, kỷ luật ở đây không phải là khẩu hiệu suông mà bằng hành động. Người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội đều đưa ra lời kêu gọi, khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế; lưu ý đặc biệt người trên 60 tuổi - đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh này, nên ở nhà, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện nâng cao sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Trong khi đó, trên nhiều con phố ở Thủ đô, nhiều người vẫn đi ngược với chỉ đạo của chính quyền, coi thường tính kỷ luật trong chống dịch với lời kêu gọi "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần," vẫn tụ tập ăn uống đông người.
Mới đây, vào ngày mùng 1/3 Âm lịch, có không ít người chen chúc trong đám đông, không đeo khẩu trang, tìm đến phủ Tây Hồ làm lễ. Nếu không may trong số người đi lễ trên có ai đó dương tính với virus SARS-CoV-2 thì không biết mức độ lây truyền sẽ như thế nào. Hành động không đồng lòng "đứng yên," không tuân thủ kỷ luật, vẫn tụ tập đông người có thể phá hỏng thành quả của bao người, bao cấp, bao ngành nhất là của các lực lượng y tế, quân đội, công an… đang ngày đêm vất vả chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Thời điểm này được các nhà chuyên môn đánh giá là dịch COVID-19 đang gia tăng nhanh, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện rất nguy hiểm cho xã hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào sáng 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay. Yêu cầu trong hai tuần tới, tính từ 0 giờ ngày 28/3, cấm tụ tập từ 20 người trở lên, tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo.
Việc này đòi hỏi mỗi cá nhân phải tuân thủ kỷ luật, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh để góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài việc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí và kỷ luật thì mỗi người cũng cần xác định tâm lý "biến nguy thành cơ," vừa chiến đấu vừa sản xuất để có thêm nguồn lực chiến thắng dịch bệnh; không lo lắng thái quá, dừng hết mọi sản xuất kinh doanh, gây ra sự thiếu hụt nhu yếu phẩm trong xã hội.
Hà Nội là "trái tim" của cả nước những ngày này đang trong cuộc chiến mới không chỉ với dịch bệnh phức tạp mà còn một cuộc chiến khác xuất phát từ chính mỗi con người chúng ta. Ở đâu đó, có lúc, có người còn thiếu đoàn kết, thiếu tinh thần kỷ luật; có người còn vị kỷ, lo thu gom, tích trữ hàng hóa hay tập tụ đông người ăn nhậu, trốn cách ly, gian dối khai báo y tế… Những người này có thể làm chậm bước trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh ở Thủ đô. Vì thế, mỗi cá nhân cần bình tĩnh để phát huy phẩm chất bao đời của người Việt Nam là đoàn kết, kỷ luật, tương thân tương ái để cùng chống "giặc COVID-19"./.