Ngày 23/2, Ukraine đã nhận được lô vắcxin COVID-19 đầu tiên sau vài lần bị trì hoãn. Ukraine có dân số 40 triệu người, là một trong những nước nghèo nhất ở châu Âu và cũng là một trong những nước cuối cùng trong khu vực khởi động chiến dịch tiêm vắcxin cho toàn dân.
Lô đầu tiên bao gồm 500.000 liều vắcxin của AstraZeneca do viện Serum Ấn Độ (SII) sản xuất. Người phát ngôn Bộ Y tế Ukraine xác nhận lô vắcxin này đã đến sân bay Boryspil ở Kiev. Trong ngày 23/2, Chính phủ Ukraine sẽ công bố chiến lược tiêm chủng quốc gia.
Ban đầu Ukraine dự kiến triển khai tiêm chủng từ giữa tháng 2 nhưng việc bàn giao chậm trễ khiến kế hoạch này cũng bị chậm lại. Tổng thống Volodymyr Zelensky từng lên tiếng chỉ trích các quốc gia phương Tây giàu có hơn đã tích trữ vắcxin của Pfizer và Moderna khiến việc bàn giao cho nước này bị trì hoãn và hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ các quốc gia Đông Âu tìm kiếm nguồn cung vắcxin.
Cũng trong ngày 23/2, Hungary thông báo sẽ đưa vắcxin của tập đoàn dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) vào sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19. Đây là thông tin được đăng trên chuyên trang về dịch bệnh COVID-19 trên tài khoản mạng xã hội Facebook của Chính phủ Hungary.
[Dịch COVID-19: Indonesia ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm mới]
Điều này đánh dấu Hungary trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên sử dụng vắcxin của Trung Quốc trong tiêm chủng COVID-19. Hungary cũng là quốc gia đầu tiên trong số 27 nước thành viên EU mua và cấp phép vắcxin của Nga và Trung Quốc dù các vắcxin này chưa được EU cấp phép. Hồi tháng 1 vừa qua, Hungary đã đạt thỏa thuận mua 5 triệu liều vắcxin của Sinopharm.
Ngày 23/2, Kyrgyzstan đã cấp phép sử dụng vắcxin Sputnik V của Nga. Theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tham gia phát triển vắcxin, Kyrgyzstan là quốc gia thứ 32 trên thế giới cấp phép cho vắcxin Sputnik V. Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9.
Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắcxin Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vắcxin này đạt hiệu quả tới 91,4%. Kết quả thử nghiệm sau đó cũng đã được tạp chí khoa học The Lancet đăng tải, càng củng cố uy tín cho vắcxin do Nga phát triển./.