Các quốc gia tiếp tục triển khai tiếp nhận, tiêm vắcxin ngừa COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp, các quốc gia như Afghanistan, Ai Cập, Thái Lan tiếp tục triển khai tiếp nhận và tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Các quốc gia tiếp tục triển khai tiếp nhận, tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Kandahar, Afghanistan, ngày 16/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp, các quốc gia như Afghanistan, Ai Cập, Thái Lan tiếp tục triển khai tiếp nhận và tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, trong khi các nước khác cân nhắc lựa chọn các biện pháp siết chặt hoặc nới lỏng tình trạng khẩn cấp tùy theo tình hình trong nước.

Afghanistan chính thức triển khai chương trình tiêm chủng

Ngày 23/2, Afghanistan chính thức triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin COVID-19 cho hàng trăm nghìn người trong bối cảnh tình hình an ninh vẫn còn nhiều bất ổn. 

Theo kế hoạch, các bác sỹ, nhân viên an ninh và nhà báo sẽ là những nhóm được ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 của AstraZeneca mà Ấn Độ tài trợ cho Afghanistan hồi đầu tháng này.

Phát biểu trong ngày đầu tiên triển khai tiêm chủng, Tổng thống A. Ghani cho biết 500.000 liều vắcxin sẽ được tiêm trong giai đoạn đầu tiên của chương trình tiêm chủng.

Afghanistan được cho là chịu tác động mạnh của dịch bệnh trong năm 2020 nhưng do năng lực xét nghiệm và hệ thống y tế còn yếu kém nên khả năng có những ca bệnh không được phát hiện.

Tới nay, nước này chính thức ghi nhận tổng cộng 55.600 ca bệnh và khoảng 2.430 ca tử vong. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Bộ Y tế nước này công bố hồi tháng 8/2020 ước tính khoảng 1/3 dân số- tương đương khoảng 10 triệu người- đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chương trình tiêm chủng toàn quốc được triển khai trong bối cảnh các cuộc tấn công bạo lực liên tục xảy ra trong những tuần gần đây tại thủ đô Kabul và nhiều đô thị khác trên cả nước.

Trong quá khứ, tình trạng xung đột bạo lực xảy ra liên miên đã nhiều lần cản trở các chương trình tiêm chủng tại quốc gia này như chương trình tiêm chủng bại liệt.

Ai Cập tiếp nhận thêm 300.000 liều vắcxin của Sinopharm

Cũng trong ngày 23/2, Bộ Y tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã tiếp nhận 300.000 liều vắcxin COVID-19 của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm sáng cùng ngày.

Đây là lô vắcxin COVID-19 thứ 2 được Sinopharm bàn giao cho Ai Cập, sau lô đầu tiên gồm 50.000 liều mà Cairo tiếp nhận hồi tháng 12/2020.

Bên cạnh vắcxin của Sinopharm, quốc gia Bắc Phi cũng đã nhận 50.000 liều vắcxin của AstraZeneca hồi đầu tháng 2, một phần trong chương trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế. Ai Cập đã tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu ngày 24/1, sử dụng vắcxin của Trung Quốc.

[Campuchia mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định cách ly]

Từ tuần tới, Ai Cập sẽ mở kênh đăng ký tiêm chủng trực tuyến cho các nhóm đủ điều kiện tiêm chủng, như người già và các bệnh nhân có bệnh mãn tính. Các nhóm này sẽ được tiêm sau khi Ai Cập tiếp nhận thêm các lô vắcxin khác từ các nhà cung cấp. 

Tính đến ngày 22/2, Ai Cập ghi nhận tổng cộng 178.774 ca bệnh, trong đó có 10.404 tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này từ 10 tháng trước.

Thái Lan cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của Sinovac

Ngày 23/2, Thái Lan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), một ngày trước khi nhận lô đầu tiên gồm 200.000 liều vắcxin này vào ngày 24/2.

Các quốc gia tiếp tục triển khai tiếp nhận, tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 2Vắcxin phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). (Ảnh: THX/ TTXVN)

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul xác nhận Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của nước này đã hoàn tất quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của Sinovac trong vòng 1 năm.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn phát biểu của người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan sẽ được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, do số lượng hạn chế, vắcxin sẽ được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất hoặc có ý nghĩa kinh tế nhất, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.

Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất là Samut Sakhon (vùng kiểm soát COVID-19 chặt chẽ và tối đa) và 8 tỉnh nằm trong vùng kiểm soát COVID-19 là Bangkok (phía Tây), Pathum Thani, Nonthaburi, Samut Prakan, Tak (huyện Mae Sot), Nakhon Pathom, Samut Songkhram và Ratchaburi. Bốn tỉnh quan trọng về mặt kinh tế là Chon Buri, Phuket, Surat Thani (bao gồm cả Koh Samui) và Chiang Mai.

Trong giai đoạn hai, sẽ có thêm 800.000 liều vắcxin được chuyển đến trong tháng 3 và 1 triệu liều trong tháng 4. Ông Taweesilp cho biết tổng cộng 2 triệu liều vắcxin Sinovac dự kiến sẽ tới Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.

AstraZeneca sẽ cung cấp 26 triệu liều từ tháng 6 đến tháng 8 và 35 triệu liều từ tháng 9 đến tháng 12.

Về tình hình COVID-19, Thái Lan ngày 23/2 ghi nhận thêm 95 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này từ trước tới nay lên 25.599 trường hợp, trong đó có 83 bệnh nhân tử vong. 

Tổng thống Indonesia kêu gọi hợp tác để ngăn chặn đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về ngăn chặn đại dịch COVID-19 được tổ chức trực tuyến ngày 23/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước trên thế giới cùng hợp tác để ngăn chặn đại dịch.

Ông Joko Widodo nêu rõ tất cả các quốc gia phải tăng cường hợp tác trong nước cũng như với các nước trên thế giới vì "không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn."

Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia đều đang nỗ lực để đảm bảo nguồn vắcxin cho người dân, nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với vắcxin cho tất cả mọi người.

Ông Joko Widodo cũng cho biết Indonesia đã đảm bảo được nguồn vắcxin COVID-19 thông qua các thỏa thuận đặt mua vắcxin từ một số nhà cung cấp quốc tế.

Dù vậy, Indonesia vẫn đang chủ động tham gia các nỗ lực hỗ trợ bình đẳng trong tiếp cận vắcxin cho các quốc gia trên thế giới thông qua các tổ chức quốc tế.

Ba tỉnh của Nhật Bản đề nghị sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp

Ba tỉnh miền Tây của Nhật Bản ngày 23/2 đã đề nghị chính quyền trung ương dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm hơn một tuần so với kế hoạch dự kiến kéo dài đến ngày 7/3.

Các quốc gia tiếp tục triển khai tiếp nhận, tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 3Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong đề nghị chung gửi tới Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, Thống đốc các thành phố Kyoto, Osaka và Hyogo cho biết số ca phải nhập viện do COVID-19 đã cải thiện và tốc độ lây nhiễm dịch bệnh cũng có chiều hướng chậm lại.

Tình trạng khẩn cấp, ban bố trong đợt lây lan dịch bệnh COVID-19 thứ hai của nước này, bắt đầu áp đặt từ ngày 7/1 và kéo dài một tháng tại thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, đến này 13/1, lệnh tình trạng khẩn cấp được mở rộng tới 7  tỉnh, trong đó có 3 tỉnh miền Tây và sau đó lệnh này tiếp tục kéo dài đến hết ngày 7/3 đối với 10 trong số 11 tỉnh.

Theo lệnh này, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, trong khi toàn bộ nhà hàng và quán bar cũng phải đóng cửa sớm hơn quy định.

Mặc dù vậy, Thống đốc thành phố Kyodo, Takatoshi Nishiwaki cho biết ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, Kyodo sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm tăng trở lại.

Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên lập hệ thống chung đối phó với các bệnh truyền nhiễm

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young đã kêu gọi xây dựng một hệ thống ứng phó chung với Triều Tiên chống lại các bệnh truyền nhiễm để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa ngày càng tăng từ đại dịch toàn cầu.

Ông Lee đưa ra lời kêu gọi trên tại cuộc hội thảo về hợp tác liên Triều trong lĩnh vực y tế cộng đồng, trong đó ông lưu ý rằng việc thiết lập hệ thống chung không nhất thiết có nghĩa là cung cấp sự hỗ trợ đơn phương cho Bình Nhưỡng mà cũng là một cách để bảo vệ "chính bản thân và gia đình."

Ông Lee nhấn mạnh: "Hàn Quốc và Triều Tiên phải tiếp tục xây dựng hệ thống ứng phó chống lại các bệnh truyền nhiễm và trao đổi thông tin theo thỏa thuận của hai bên" đạt được trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2018.

Hiện Hàn Quốc đang tìm cách khởi động quan hệ liên Triều đang bị đình trệ thông qua các nỗ lực chung chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, phía Triều Tiên chưa hồi đáp lời đề nghị đàm phán và dự án hợp tác của Seoul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục