Dịch COVID-19: Tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở châu Phi cao hơn trung bình

Hệ thống y tế ở châu Phi đang gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu trang thiết bị y tế cần thiết trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chật vật đối phó với làn sóng thứ hai dịch COVID-19.
Dịch COVID-19: Tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở châu Phi cao hơn trung bình ảnh 1Xét nghiệm cho người dân tại Nairobi, Kenya. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hệ thống y tế ở châu Phi đang gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu trang thiết bị y tế cần thiết trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chật vật đối phó với làn sóng thứ hai dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đẩy tỷ lệ tử vong vượt trên mức trung bình toàn cầu.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tới nay, "Lục địa Đen" đã ghi nhận khoảng 3,3 triệu ca mắc COVID-19 và gần 82.000 ca tử vong.

Số liệu này dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số ca mắc và tử vong trên toàn cầu, song các ca mắc đã tăng trung bình 14%/tuần trong tháng 12/2020.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn châu lục hiện là 2,5% - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,2%. Con số này chấm dứt giai đoạn tỷ lệ tử vong trung bình do COVID-19 tại châu lục này luôn thấp hơn so với phần còn lại của thế giới.

Ông John Nkengasong lưu ý: "Trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, chúng tôi bắt đầu chứng kiến điều trái ngược. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một trong những đặc điểm đáng chú ý của làn sóng thứ hai, mà chúng ta phải hãy chiến đấu hết sức có thể."

Tới nay, tổng cộng 21 quốc gia châu Phi đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn mức 2,2%. Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi ở Tây Sahara - một thành viên của Liên minh châu Phi (AU) - có tỷ lệ tử vong là 11,8%, tiếp theo là Sudan là 6,2%, Ai Cập là 5,5%, Liberia là 4,4% và Mali là 4%. Ông Nkengasong lưu ý sự gia tăng số ca mắc đang khiến hệ thống y tế của các nước quá tải.

[Ecuador tiếp nhận lô vắcxin đầu, bang California nối lại tiêm chủng]

Tuần trước, AU thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 và sẽ bổ sung cho số vắcxin được cung cấp thông qua Cơ chế phân phối vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vắcxin toàn cầu (GAVI) đứng đầu. AU cũng đang đàm phán với Nga và Trung Quốc để mua thêm các liều vắcxin ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục