Dịch vụ truyền hình: Nên để khán giả quyết định tỷ lệ chương trình

Đại diện nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho rằng, số lượng kênh, tỷ lệ chương trình trong nước cần theo nhu cầu của thị trường, không nên áp đặt theo tỷ lệ cố định.
Dịch vụ truyền hình: Nên để khán giả quyết định tỷ lệ chương trình ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với điều kiện thực tế, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng cần có sự điều chỉnh về quy định về tỷ lệ nội dung trong nước, cách quản lý danh mục nội dung và bản quyền nội dung… trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Những ý kiến trên được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (ngày 18/1/2016) của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội. Chương trình do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.

Để thị trường quyết định

Dự thảo Nghị định 06 (sửa đổi) bổ sung quy định về tỷ lệ kênh, nội dung trong nước trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Cụ thể, số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định 06 (sửa đổi) yêu cầu tỷ lệ số lượng chương trình trong nước (trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền) không thấp hơn 30%.

[Cuộc chiến tranh giành Sky giữa Fox và Comcast chưa có hồi kết]

Ông Lê Văn Khương (đại diện Viettel TV) cho rằng, quy định này là không hợp lý. “Quy định nhằm mục đích khuyến khích việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung chương trình phát thanh, truyền hình trong nước. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế thị trường nội dung số hiện nay ở Việt Nam, việc quy định như vậy sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Muốn thu hút người xem thì chúng tôi phải lắng nghe ý kiến của khán giả, ‘chiều’ theo thị hiếu khách hàng,” ông Lê Văn Khương bày tỏ.

Từ đó, đại diện Viettel TV cho rằng, tỷ lệ kênh, tỷ lệ số lượng chương trình cần để thị trường quyết định, không nên áp đặt theo tỷ lệ, con số cứng nhắc.

Ở góc độ, ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam cho hay, quy định về tỷ lệ nội dung trong nước cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền sẽ làm khó doanh nghiệp trong việc thực hiện tổng thể các quy định của pháp luật.

Theo ông Nhiêm, chiếu theo quy định nói trên, thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải chiếm tối thiểu 30% tổng thời lượng phát sóng phim trên các dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong khi đó, vấn đề cấp phép, thẩm định nội dung phim vốn không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Vậy nếu áp dụng quy định về tỷ lệ nội dung trong nước như Dự thảo Nghị định 06 (sửa đổi) đặt ra thì đơn vị nào (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Bộ Thông tin và Truyền Thông) sẽ quản lý việc cấp phép, thẩm định nội dung những bộ phim này khi phát sóng? Doanh nghiệp có cần xin thêm các giấy phép ‘con’ khi thực hiện phát sóng những bộ phim này không?” đại diện Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam đặt câu hỏi.

Dịch vụ truyền hình: Nên để khán giả quyết định tỷ lệ chương trình ảnh 2Trải nghiệm truyền hình tương tác của Viettel tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). (Ảnh: T.H/Vietnam+)

“Bài toán” đăng ký danh mục nội dung

Ngoài ra, những quy định về đăng ký danh mục nội dung chương trình, bản quyền các chương trình phát sóng trong Dự thảo Nghị định 06 (sửa đổi) cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp…

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh châu Á đặt vấn đề về tính khả thi của những quy định này.

“Thực tế, đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, danh mục nội dung có thể lên đến hàng nghìn bộ phim, chương trình với hàng triệu giờ phát sóng. Danh mục này cũng liên tục được cập nhật. Bởi vậy, yêu cầu cung cấp trước hồ sơ, danh mục nội dung chương trình dự kiến và toàn bộ văn bản thỏa thuận bản quyền của các nội dung này là yêu cầu không phù hợp với mô hình kinh doanh, dễ tạo ra sự chậm trễ,” ông Vũ Tú Thành nói.

Thay vào đó, ông Thành cho rằng, quy định trên nên được điều chỉnh bằng cách yêu cầu cập nhật theo thời gian cụ thể.

Có cùng quan điểm trên, đại diện Viettel TV nhận định, việc lập danh mục, hồ sơ chương trình cũng như cung cấp văn bản chứng minh bản quyền phát sóng cần được thực hiện linh hoạt theo đặc thù của dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nên đồng ý cho doanh nghiệp lập biểu báo cáo theo tháng; tránh mất thời gian, nhân lực vào việc kiểm đếm, dò lại từng con số trong mỗi lần tổng kết, báo cáo hay các đợt thanh kiểm tra,” ông Lê Văn Khương cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục