Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng, với diện tích 156.176 ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao vai trò vị thế của thành phố Hải Phòng trong khu vực và thế giới. Phát triển thành phố Hải Phòng thành thành phố Cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc.
Phát triển phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ.
[Thủ tướng thị sát một số công trình kinh tế trọng điểm tại Hải Phòng]
Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng gồm: Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng; rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố Hải Phòng; đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị; nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị dựa trên hệ thống các phương pháp khoa học và cơ sở hiểu biết toàn diện về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật...
Quy hoạch thành phố Hải Phòng đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng xã hội trên các lĩnh vực hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí. Đặc biệt các công trình mang tính phục vụ cấp vùng: trung tâm giáo dục-đào tạo, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, du lịch.
Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội, đề xuất bổ sung hoặc tôn tạo trên cơ sở hiện trạng, tập trung chủ yếu về khía cạnh quỹ đất và xây dựng công trình...
Quy hoạch cần định hướng phát triển không gian đô thị; quy hoạch sử dụng đất đai; định hướng xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược.../.