Điều gì khiến Mỹ cần phải bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng?

Với Dự luật An ninh Khoáng sản (Minerals Security Act), Mỹ nhận ra thực tế rằng Trung Quốc đang thách thức nước này trong quá trình chuyển đổi sang các công nghệ năng lượng mới.
Điều gì khiến Mỹ cần phải bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: sdcexec.com)

Tờ The Hill ngày 13/5 đăng một bài viết của tác giả David Livingston - Phó Giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu và năng lượng tại Hội đồng Đại Tây Dương - trong đó nhận định thể chế lưỡng đảng (Cộng hòa và Dân chủ) là rất quan trọng ở Washington hiện nay.

Vì vậy, thật đáng khen ngợi khi lưỡng đảng thúc đẩy một dự luật tại Thượng viện về sản xuất khoáng sản và vật liệu nhằm nâng cao chuỗi giá trị năng lượng.

Với Dự luật An ninh Khoáng sản (Minerals Security Act), Mỹ nhận ra thực tế rằng Trung Quốc đang thách thức nước này trong quá trình chuyển đổi sang các công nghệ năng lượng mới.

[Xung đột Mỹ-Trung nhìn từ góc độ năng lượng địa chính trị]

Việc Quốc hội thông qua dự luật này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trong những năm sắp tới.

Dự luật này được bảo trợ bởi các Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lisa Murkowski (bang Alaska) và Thượng nghị sỹ Dân chủ Joe Manchin (bang West Virginia) cùng các nhà đồng bảo trợ từ lưỡng đảng nhằm hợp lý hóa nhiều quy trình pháp lý cho việc khai thác các khoáng sản ở trong nước như lithium và than chì vốn rất cần thiết cho các ứng dụng năng lượng sạch, xe điện và quốc phòng.

Dự luật xuất hiện vào đúng thời điểm quan trọng.

Hãng sản xuất xe ôtô điện Tesla gần đây đã cảnh báo về sự thiếu hụt các nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin điện.

Trong khi đó, Trung Quốc đang củng cố quyền kiểm soát các mỏ, nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng các nguyên liệu này.

Trung Quốc hiện sở hữu tài nguyên hàng đầu với 10 loại khoáng sản và vật liệu cần thiết cho công nghệ lưu trữ gió, Mặt Trời và pin, trong khi đó Australia đứng thứ hai với 5 loại.

Mỹ không dẫn đầu trong bất kỳ tài nguyên nào trong số này, nhưng đứng thứ năm cho 10 loại tài nguyên khác nhau. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, Mỹ rất ít khai thác chúng.

Trung Quốc hiện chiếm 2/3 sản lượng pin lithium trên toàn thế giới (so với 5% của Mỹ) và tự hào với hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới BYD - nơi có 99% xe buýt điện trên thế giới.

Khai thác trong nước tăng, được thực hiện một cách có trách nhiệm và bền vững, sẽ là một lợi ích cho ngành công nghiệp Mỹ, an ninh quốc gia và sự phát triển liên tục của công nghệ năng lượng sạch cũng như giao thông trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ có thể đi xa hơn, đặc biệt là khi nói đến một chiến lược rộng lớn hơn để đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng sạch.

Các nhà sản xuất ôtô sẽ chi 300 tỷ USD trong thập kỷ tới cho xe điện và Trung Quốc sẵn sàng đầu tư ít nhất 136 tỷ USD cho mục tiêu đó.

Mỹ chỉ chi khoảng 34 tỷ USD cho lĩnh vực sản xuất này, ít hơn 5 tỷ USD so với kế hoạch chi tiêu của các công ty Mỹ (bao gồm cả Fiat-Chrysler).

Những số liệu này cho thấy rằng đối với lĩnh vực công nghệ xe ôtô điện, Trung Quốc sẵn sàng thu hút vốn và đầu tư, trong khi Mỹ gửi nó ra nước ngoài.

Rõ ràng, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn trong lĩnh vực sản xuất pin và xe điện, cũng như trong việc thúc đẩy sự đổi mới và giảm chi phí. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải cố gắng cạnh tranh, thay vì nhượng lại thị trường.

Mỹ nên bắt đầu mở rộng chương trình của Bộ Năng lượng nhằm cung cấp kinh phí để giúp các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp phụ tùng có được những công nghệ mới.

Chương trình đó đóng một vai trò quan trọng để công ty Nissan quyết định chọn bang Tennessee cho việc sản xuất xe điện Leaf với khoản đầu tư hàng tỷ USD và tạo ra hàng ngàn việc làm.

Chương trình này cũng có thể giúp tạo ra một tương lai mới cho nhà máy GM vốn chuẩn bị đóng cửa ở thành phố Lordstown, bang Ohio.

Đáng tiếc, chương trình này được đề xuất ra khỏi ngân sách tài khóa năm 2020 của Tổng thống Mỹ.

Quốc hội nên đấu tranh để giữ cho nó hoạt động và tài trợ đầy đủ cho chương trình quan trọng này.

Quốc hội Mỹ cũng nên xem xét cải cách tín dụng thuế xe điện liên bang để mang lại lợi ích tốt hơn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình và kích thích sự đổi mới hơn nữa.

Điều này sẽ bao gồm loại bỏ giới hạn hiện tại về số lượng xe mà mỗi nhà sản xuất có thể áp dụng tín dụng và gia hạn tín dụng vào giữa năm 2020, khi xe điện sẽ đạt mức ngang giá với các phương tiện truyền thống.

Các nhà hoạch định chính sách cũng nên mở rộng tín dụng pin nhiên liệu hydro để mang lại cho doanh nghiệp sự chắc chắn lâu dài mà họ cần có để thương mại hóa công nghệ then chốt này.

Điều này có thể làm giảm bớt nhiều lo ngại về lỗ hổng chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu như lithium được sử dụng trong pin ngày nay.

Mỹ cần phải làm nhiều hơn để thương mại hóa các loại pin ít phụ thuộc vào các tài nguyên quan trọng và do đó giảm bớt sự phụ thuộc vào chúng theo thời gian.

Điều này có thể thực hiện thông qua tài trợ của chính phủ cho việc nghiên cứu và phát triển, và khai thác nhiều hơn các mối quan hệ đối tác công tư, bao gồm cả các phòng thí nghiệm hàng đầu. Mỹ có thể đảm bảo năng lượng sạch trong tương lai. Và Dự luật An ninh khoáng sản là bước vững chắc đầu tiên để đạt được mục tiêu này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục