Điều gì sẽ trở thành mồi lửa cho cuộc cuộc chạy đua vũ trang?

Một tên lửa đánh chặn mới, được gọi là Hệ thống Tên lửa SM-3 Block IIA, chắc chắn sẽ kích động Nga và Trung Quốc, khiến họ tin rằng cần cải thiện hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Điều gì sẽ trở thành mồi lửa cho cuộc cuộc chạy đua vũ trang? ảnh 1Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin di sản của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn lâu mới gây được cảm hứng.

Ông Joe Biden và đội ngũ của ông sẽ phải đối mặt với nhiều quyết định quan trọng.

Các chuyên gia về chính sách vũ trang tin rằng một trong những quyết định quan trọng đối với chính quyền mới là “liệu có nên tiến hành các kế hoạch từ thời ông Trump để mở rộng khu vực phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ bằng các tên lửa mới trên biển có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm xa hay không.”

Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ cản trở sự tiến bộ của việc kiểm soát vũ khí.

Daryl G. Kimball, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho biết các nhà chiến lược hạt nhân từ lâu đã hiểu rằng việc phát triển và triển khai các tên lửa đánh chặn chiến lược nhằm vào các đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân là không hiệu quả, nhưng họ vẫn khuyến khích phát triển một kho vũ khí gồm các hệ thống tên lửa mới, mạnh hơn để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

[Mỹ, Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí toàn cầu năm 2019]

Theo các nguồn thạo tin, một tên lửa đánh chặn mới - được gọi là Hệ thống Tên lửa SM-3 Block IIA - có thể giúp giảm bớt mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong ngắn hạn.

Thế nhưng, nó chắc chắn sẽ kích động Nga và Trung Quốc, khiến họ tin rằng cần cải thiện hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả các cuộc tấn công tên lửa từ Mỹ.

Để ngăn chặn cuộc chạy đua tên lửa tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Washington và Moskva đã đồng ý giới hạn số lượng tên lửa đánh chặn chiến lược không quá 100 tên lửa, như được quy định trong Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972.

Mức trần này cho phép triển khai một số lượng hạn chế tên lửa đánh chặn trong trường hợp bị kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân tấn công.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM năm 2002, các nhà hoạch định chính sách của Washington đã tập trung vào việc cải thiện khả năng chống lại các mối đe dọa tên lửa hạn chế từ các quốc gia "bất hảo."

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chỉ triển khai 44 hệ thống đánh chặn chiến lược như một phần của hệ thống phòng thủ tầm trung trên mặt đất.

Một mặt, Triều Tiên đã cải thiện khả năng tên lửa đạn đạo trong những năm gần đây, mặt khác Quốc hội Mỹ đã rót thêm hàng tỷ USD vào Cơ quan Phòng thủ Tên lửa để phát triển, mua, thử nghiệm và nghiên cứu các công nghệ mới.

Năm 2019, Đánh giá Phòng thủ Tên lửa của chính quyền Trump đã khuyến nghị tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia để bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa từ các nhà nước "bất hảo."

Tổng thống Trump nói: “Mục tiêu là đảm bảo rằng Mỹ có thể theo dõi và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được bắn từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.”

Hệ thống này sẽ có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền cũng như các tên lửa đất đối không và xuyên lục địa và trên biển.

Ngày 17/11 vừa qua, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đã thử hệ thống SM-3 Block IIA chống lại một mục tiêu ICBM.

Các kế hoạch hiện tại của Lầu Năm Góc đề nghị xây dựng và triển khai tổng cộng 1.000 hệ thống phòng thủ tên lửa mới trên toàn thế giới vào năm 2030, cả trên đất liền và trên biển.

Gần 180 triệu USD được dành để cải thiện khả năng của hệ thống này trong việc đánh chặn ICBM và ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa đất đối không.

Nếu được áp dụng, cách tiếp cận này sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc phòng thủ chống lại Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Iran và các quốc gia bất hảo khác cũng như các tên lửa đạn đạo của họ.

Trong bối cảnh đó, theo ông Kimball, đầu tiên, chính quyền ông Joe Biden nên nhắc lại rằng khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở trong nước có thể chống lại mối đe dọa từ các cuộc tấn công của bên thứ ba, chứ không phải chống lại các khả năng phức tinh vi hơn của Nga và Trung Quốc.

Ông Kimball viết: “Việc giải thích như vậy vẫn chưa đầy đủ,” đồng thời cho biết thêm rằng Moskva đã ra điều kiện giảm thêm vũ khí hạt nhân tấn công trong các giới hạn phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tương lai.

Nga tuyên bố nước này đang nỗ lực phát triển hệ thống vận chuyển hạt nhân xuyên lục địa mới như ngư lôi, phương tiện lướt siêu thanh và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trung Quốc đã bắt đầu đáp trả khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách đa dạng hóa các khả năng tấn công hạt nhân, bao gồm cả việc tăng số lượng ICBM dựa trên silo được trang bị nhiều đầu đạn.

Ông cảnh báo rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế hơn nữa vũ khí hạt nhân của Nga và đưa Trung Quốc vào quá trình kiểm soát vũ khí khó có thể thực hiện được trừ khi Washington đồng ý thảo luận nghiêm túc về khả năng phòng thủ tên lửa tầm xa của mình, bao gồm cả hệ thống SM-3 Block IIA.

Ông nói: "Việc trang bị đủ các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo hạn chế từ Triều Tiên hoặc Iran và việc đồng ý ràng buộc giới hạn về số lượng, vị trí và khả năng của các hệ thống phòng thủ đó không nên loại trừ lẫn nhau."

Tuy nhiên, làm như vậy sẽ đòi hỏi chính quyền ông Biden phải tránh xa quan niệm đơn giản rằng không bao giờ có bất kỳ giới hạn nào đối với khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ.

20 năm trước, Thượng nghị sỹ Biden khi đó đã lập luận về việc “phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường nhằm tăng cường ổn định khu vực” và việc chống lại một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược “sẽ bị cả Nga và Trung Quốc coi là mối đe dọa.”

Giờ đây, với tư cách là tổng thống, ông Biden sẽ phải chịu trách nhiệm điều chỉnh chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ để nó đạt được thế cân bằng phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục