Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trang mạng eastasiaforum.org ngày 19/11 đăng bài viết cho rằng sau khi ngăn chặn thành công đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Việt Nam đang trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên áp dụng định giá carbon để hướng tới quá trình hồi phục hậu đại dịch "xanh" hơn.
Ngày 17/11, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với những quy định mới về mua bán khí thải.
Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
[Kỳ họp thứ 10: Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)]
Các quy định mới được hy vọng sẽ củng cố cam kết của Việt Nam đối với giảm phát thải khí nhà kính theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mở đường cho việc khai thác hơn nữa tiềm năng năng lượng tái tạo đáng kể của đất nước và chuyển sang mô hình phát triển carbon thấp trong kỷ nguyên phục hồi hậu COVID-19.
Luật quy định Chính phủ sẽ thiết lập một chương trình mua bán phát thải khí carbon phù hợp với điều kiện trong nước cũng như các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu.
Các chi tiết như mục tiêu, thời hạn và các ngành công nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật mới sẽ được quy định trong một nghị định của Chính phủ.
Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ như kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia và giám sát, báo cáo và xác minh lượng phát thải.
Bài viết cho rằng với việc áp dụng định giá carbon, Việt Nam sẽ có thể gặt hái thêm lợi ích từ thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Định giá carbon sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như góp phần vào việc giảm tác động của biến đổi khí hậu và áp lực môi trường trong xã hội.
Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng tăng và xảy ra thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng cao có nguy cơ gây ngập các khu kinh tế quan trọng ở các vùng ven biển, có khả năng khiến hàng triệu người Việt Nam phải di dời nhà cửa đi nơi khác.
Việt Nam cũng là quốc gia có mức ô nhiễm không khí cao thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2019 sau Indonesia, với khoảng 60.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong năm 2017.
Mức độ ô nhiễm cao vượt quá giới hạn về ô nhiễm không khí ngoài trời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cao làm giảm tuổi thọ của người dân ở Việt Nam khoảng một năm và gây thiệt hại khoảng 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Định giá carbon là một công cụ chính sách xác định chi phí khí nhà kính. Với mức giá carbon được đưa ra, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường sẽ có động lực để phát triển theo hướng phát thải thấp.
Tính đến giữa năm 2020, có 61 sáng kiến định giá carbon đã được thực hiện hoặc lên kế hoạch thực hiện trên toàn thế giới. Trước Việt Nam, một số ít các nước đang phát triển đã áp dụng định giá carbon, bao gồm Trung Quốc, Nam Phi và Kazakhstan.
Việc Việt Nam áp dụng định giá carbon hy vọng sẽ khuyến khích các quốc gia khác cam kết giảm khí nhà kính.
Giai đoạn hậu COVID-19 là thời điểm lý tưởng để áp dụng giá carbon, đặt nền móng cho quá trình phục hồi xanh.
Các cam kết không phát thải ròng gần đây của các nước phát thải lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - và việc Mỹ có kế hoạch tái tham gia Hiệp định Paris - đã tạo động lực cho các nỗ lực giảm thiểu phát thải toàn cầu, vốn đang bị chậm trễ./.