DN đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu

Chất lượng xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến tay người tiêu dùng là trách nhiệm của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp nào vi phạm, ngoài biện pháp xử lý hành chính sẽ còn được thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, các doanh nghiệp xăng dầu cần chủ động rà soát các khâu trong hệ thống kinh doanh, chủ động phối hợp với các Chi cục quản lý thị trường, Sở Công Thương để kịp thời xử lý các vi phạm và đưa ra các biện pháp xử lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã khẳng định như vậy tại buổi họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu ngày 16/2, tại Hà Nội, về tăng cường công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trong hệ thống phân phối.
Chất lượng xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến tay người tiêu dùng là trách nhiệm của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp nào vi phạm, ngoài biện pháp xử lý hành chính sẽ còn được thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, các doanh nghiệp xăng dầu cần chủ động rà soát các khâu trong hệ thống kinh doanh, chủ động phối hợp với các Chi cục quản lý thị trường, Sở Công Thương để kịp thời xử lý các vi phạm và đưa ra các biện pháp xử lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã khẳng định như vậy tại buổi họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu ngày 16/2, tại Hà Nội, về tăng cường công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trong hệ thống phân phối.

Theo ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex, mặc dù chất lượng xăng dầu ở hầu hết các đầu mối, các đại lý trực tiếp trong hệ thống đều tốt nhưng đã xuất hiện không ít vấn đề về chất lượng tại một số đại lý mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Việc quản lý chất lượng xăng dầu bao gồm 3 khâu: nhập khẩu, tồn chứa, chuyển từ kho đến các đại lý. Với hai khâu đầu hoàn toàn yên tâm vì đã có các quy định khá rõ ràng theo quy định của Nhà nước, nhưng từ kho đến đại lý là có vấn đề. Có lẽ vì vậy mà thời gian qua dư luận quan tâm nhiều đến chất lượng xăng dầu của các đơn vị, đại lý kinh doanh xăng dầu, có nhiều ý kiến hoài nghi chất lượng xăng dầu dẫn tới hiện tượng cháy nổ các loại phương tiện giao thông.

Hiện cả nước có trên 13.000 đại lý, trong đó đại lý của các đầu mối trên 3.000 chiếm 25-30% số còn lại là của các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân cung cấp xăng dầu, nhưng thực tế đa phần các đại lý đều ký hợp đồng cung cấp với nhiều đầu mối.

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu đến tay người tiêu dùng, đa số ý kiến của các đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng phải tập trung xử lý ở khâu đại lý, các đại lý này chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên việc tổ chức hệ thống này sao cho chặt chẽ là một bài toán nhiều thách thức với nhà quản lý. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế để các đại lý có thể bù đắp được chi phí.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết tới đây Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng rà soát lại các chính sách, đặc biệt Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Thông tư 36/2009/ TT - BCT về quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các đầu mối kinh doanh và đại lý kinh doanh xăng dầu.

Bộ cũng giao cho Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm soát các đầu mối nhập khẩu hóa chất phụ gia có thể hòa với xăng gây ảnh hưởng chất lượng xăng dầu. Bộ Công Thương sẽ thành lập các tổ công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong thời gian tới./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục