“Nhờn” với quy định?

DN viễn thông “nhờn” với quy định của Hà Nội?

Các doanh nghiệp viễn thông tìm nhiều cách chây ì, không thực hiện quy định mà Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành.
Các doanh nghiệp viễn thông, cung cấp đường truyền Internet trên địa bàn Thủ đô tìm nhiều cách chây ì, không thực hiện quy định mà Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đưa ra.

Nhờn luật?

Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông cho 615 số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm. Thời gian thực hiện công văn đến hết 10/5. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chưa triệt để.

Cụ thể, phía Sfone đã cắt 2 số điện thoại, Viettel Hà Nội 1 chưa chặn dịch vụ nào, Viettel Hà Nội 2 chặn 40 thuê bao (còn 7 thuê bao chưa chặn). Còn VNPT Hà Nội và VinaPhone cũng mới chỉ gọi điện đến các số điện thoại yêu cầu chấm dứt vi phạm.

MobiFone cũng trì hoãn và nói đến ngày hôm nay (17/5) sẽ tiến hành ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại quảng cáo rao vặt trong khi EVN Telecom còn chưa gửi báo cáo về Sở.

Ngày 17/5, tại cuộc họp liên quan đến việc trên, đại diện của VNPT Hà Nội xin được gia hạn đến hết tháng sẽ thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ với những số điện thoại rao vặt trái phép. Phía Viettel Hà Nội 1 cũng xin gia hạn đến hết 6/2011.

Lý do phía các doanh nghiệp viễn thông đưa ra là còn vướng mắc trong quá trình thu cước. Nếu cắt số thuê bao sẽ khó có thể thu được tiền từ khách hàng.

Với việc quản các đại lý Internet gần trường học, ngoại trừ CMC, các doanh nghiệp cung cấp đường truyền Internet cũng không thực hiện triệt để quy định. Nhiều doanh nghiệp đã gia hạn cho đại lý ngày cắt đường truyền.

Thậm chí, đại diện của Phòng văn hóa thông tin huyện Mỹ Đức nói, trên địa bàn huyện này có 2 đại lý Internet gần trường học dưới 200m, song theo báo cáo của các doanh nghiệp thì các đại lý trên ở khoảng cách trên 200m.

“Chúng tôi đã đi kiểm tra, và đại lý cũng đã cam kết sẽ di chuyển địa điểm vì khoảng cách không đúng với quy định. Vậy mà không hiểu vì sao doanh nghiệp lại báo cáo như vậy,” bà bức xúc.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ở một số địa phương, nhiều đại lý Internet mới gần trường học đã được mọc lên như ở  trường Triều Khúc, Ngọc Hồi (Thanh Trì),  Trung Giã (Sóc Sơn), Trung tâm giáo dục thường xuyên Hoàng Mai (Hoàng Mai)…

Rõ ràng, việc doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian xử lý điện thoại rao vặt trái phép, thậm chí tiếp tục cấp đường truyền Internet cho các đại lý mới đã chứng tỏ sự thiếu tôn trọng quy định của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Kiên quyết phạt

Trước những chây ì trên, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định, doanh nghiệp không có quyền gia hạn quy định pháp luật.

Bởi nếu vậy, chủ các số điện thoại trên sẽ tiếp tục có thêm thời gian bôi bẩn phố phường bằng những quảng cáo rác không đúng quy định. Hơn nữa, ngoài 615 số điện thoại được yêu cầu cắt, Sở đã nhận được báo cáo từ địa phương đến nay đã xuất hiện thêm 112 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định mới phát sinh.

Theo đại diện của Phòng văn hóa thông tin Sơn Tây, tại thị xã này hiện tượng quảng cáo rác, in sơn lên tường trắng lại tái phát. Đấy là chưa kể nhan nhản những mảnh dán quảng cáo…

Ông Bản cho hay, quận Hoàn Kiếm đã chi 50 triệu đồng cho mỗi phường để đi “dọn dẹp” rác quảng cáo rao vặt. Song, khi xây dựng các biển quảng cáo cũng rất ít người đến dán.

Vị Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng kiên quyết, ngay từ ngày mai, Thanh tra Sở sẽ đến tận doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để kiểm tra việc cắt 615 số điện thoại nói trên chứ không kiểm tra trên báo cáo.

“Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi gọi điện vào số điện thoại quảng cáo, nếu số đó còn liên lạc được, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt ở mức cao nhất là 30 triệu đồng,” ông Bản nói với phóng viên Vietnam+.

Đối với Viettel Hà Nội, ông Bản cho biết Sở sẽ tạm dừng cấp phép xin dựng hơn 1.000 trạm BTS của đơn vị này nếu không xử lý dứt điểm các số điện thoại quảng cáo trái phép trên.

Ngoài ra, lực lượng thanh tra sẽ phải tăng cường kiểm tra các đại lý Internet hoạt động sau 23 giờ. Với đại lý không chấp hành, sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất.

“Không thể để doanh nghiệp coi pháp luật chả là gì,” ông Bản chốt lại./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục