Do bận rộn, người Hong Kong ngày càng ít ăn cơm

Do cuộc sống bận rộn nên người Hong Kong ngày càng ít ăn cơm mà chủ yếu là đồ ăn nhanh như các loại mì, bánh mì, đồ ăn sẵn...

Mặc dù cơm là đồ ăn chính của người dân châu Á, song tại Hong Kong (Trung Quốc) - nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây, ngày càng ít người lựa chọn loại thực phẩm này.

Theo số liệu điều tra của Phòng Công nghiệp và Thương mại Hong Kong, lượng tiêu thụ gạo bình quân đầu người ở Đặc khu này liên tiếp sụt giảm trong vài năm trở lại đây. Năm 2012, bình quân một người Hong Kong chỉ tiêu thụ hết 43kg gạo (tức là chưa đến 4kg/tháng), giảm 6kg so mới mức tiêu thụ bình quân năm 2002, và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Một kết quả khác được tờ Thành báo (Hong Kong) tiến hành điều tra trong năm 2013 đối với 58 người dân ở tám khu vực thuộc Đặc khu này cho thấy, 38% số người được hỏi thi thoảng mới ăn hai bữa cơm/ngày, trong khi đại đa số chỉ ăn một bữa cơm, các bữa còn lại được thay thế bằng đồ ăn nhanh như các loại mì, bánh mì, đồ ăn sẵn tại chuỗi cửa hàng ăn nhanh… Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do quá bận rộn với công việc, không có thời gian nấu cơm.

Trong khi đó, 62% số người còn lại trả lời rằng tùy thuộc tâm trạng, ăn các đồ ăn khác thuận tiện hơn hay ăn cơm cảm thấy nhàm chán; ngoài ra một số ít cho rằng do thói quen cuộc sống và không thích ăn cơm.

Giáo sư Trương Triển Hồng thuộc Khoa Nhân loại học, Đại học Trung Sơn cho biết: “Từ cuộc sống thường nhật có thể thấy, các loại thực phẩm ngày càng phong phú, lựa chọn của người dân cũng vì thế đa dạng hơn dẫn đến sự thay đổi từ hai bữa cơm thành một bữa cơm/ngày."

Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư Hà Khánh Cơ thuộc Khoa Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa (Đại học Trung Sơn), cho rằng Hong Kong là một xã hội đa nguyên, do đó người dân dễ dàng tiếp nhận văn hóa ẩm thực từ bên ngoài, cộng thêm thu nhập tăng cao nên cơm chỉ là thực phẩm nền, không còn là khẩu phần ăn chính của người dân nơi đây.

“Vừa làm vừa ăn” dường như đã trở thành thói quen trong xã hội Hong Kong, nơi người dân phải tranh thủ từng giây từng phút để bắt kịp nhịp sống hối hả của thành phố này.

Theo Phó Giáo sư La Trí Quang, Khoa Công tác xã hội thuộc Đại học Hong Kong, trong môi trường văn hóa như vậy, đa số người dân sẽ lựa chọn các thực phẩm nhanh gọn, thuận tiện để giải quyết nhu cầu ba bữa/ngày.

Tuy nhiên, ông La Trí Quang cũng cho biết thêm, hiệu suất và áp lực làm việc của tầng lớp làm công ăn lương ở Hong Kong hiện đã đạt đến mức cao nhất,… Nếu người dân không duy trì chế độ và khẩu phần ăn hợp lý hậu quả về sức khỏe sẽ vô cùng nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục