Đồ chơi Trung Quốc: Vẫn "điệp khúc" tem quy chuẩn

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu song tại thị trường Hà Nội, các cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Giảng Võ… đã bắt đầu khởi động và có kế hoạch chuẩn bị nhiều mặt hàng nhằm phục vụ người dân.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em không dán tem chứng nhận kiểm định chất lượng, đồ chơi nguy hiểm vẫn được bày bán la liệt.
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu song tại thị trường Hà Nội, các cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Giảng Võ… đã bắt đầu khởi động và có kế hoạch chuẩn bị nhiều mặt hàng nhằm phục vụ người dân.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em không dán tem chứng nhận kiểm định chất lượng, đồ chơi nguy hiểm vẫn được bày bán la liệt.

Tràn lan hàng Trung Quốc không tem nhãn

Qua khảo sát tại các tuyến phố bán đồ chơi trẻ em như Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can, chợ Đêm, chợ Đồng Xuân, mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng hàng Trung Quốc hiện vẫn chiếm số lượng lớn trên thị trường với nhiều mẫu mã phong phú, từ bình dân đến cao cấp.

Theo anh Nguyễn Trung Đức, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi tại phố Hàng Mã, các mặt hàng Trung thu truyền thống như đèn lồng giấy, đèn Hội An, đèn ông sao, trống gỗ, khó bán và hiện ít được ưa chuộng bởi qua nhiều năm nhưng mẫu mã, hình thức vẫn không có nhiều thay đổi.

Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc có mẫu mã phong phú, hình thức bắt mắt lại phù hợp với túi tiền từ bình dân tới cao cấp như vương miện, cánh bướm thiên thần, búp bê biết nói và hát, búp bê người mẫu, thú nhồi bông, các loại siêu nhân mặt nạ nhựa với mức giá từ 7.000-80.000 đồng/sản phẩm hoặc cả triệu đồng.

Khi được hỏi về việc dán tem chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ trên đồ chơi, chủ các sạp hàng đều trả lời vòng vo nhằm trấn an tâm lý người tiêu dùng rằng đồ chơi tại cửa hàng đều có giá rất rẻ, tuy từ Trung Quốc về nhưng có nhãn mác xuất xứ đàng hoàng. Đảm bảo cầm chơi không gây hại tới sức khỏe.

Nhiều cửa hàng có cách lý giải "hợp lý" hơn: tem chứng nhận hợp chuẩn chỉ được dán ở kiện hàng chứa đồ chơi và đã được kiểm định chặt chẽ khi qua cửa khẩu. Còn từng hộp đồ chơi, có quá nhiều đồ chơi trong một kiện hàng nên không thể dán hết vào từng cái. Hơn nữa việc dán tem hiện nay cũng khá dễ dàng với nhiều tem giả.  "Quan trọng là chất lượng đồ chơi và sự đảm bảo uy tín của cửa hàng!"

Thị trường đồ chơi cho trẻ em hiện rất phong phú về mẫu mã và màu sắc, giá rẻ có, đắt có. Tuy nhiên, việc đáng lưu ý là đồ chơi không mang tính giáo dục nhân cách cho con trẻ, đầy tính bạo lực, cần phải triệt bỏ tận gốc như súng, dao găm, mặt nạ kinh dị hay có những khẩu súng nhựa này còn có thể bắn ra đạn gây sát thương cho trẻ, thậm chí nếu bắn vào mắt có thể dẫn đến mù lòa.

Người tiêu dùng: Thờ ơ hay bất lực?

Từ ngày 15/4/2010, Nhà nước có quy định đồ chơi cho trẻ phải có chứng nhận hợp chuẩn. Tuy nhiên, đã qua hơn một năm thực hiện, đồ chơi Trung Quốc không tem nhãn vẫn được bày bán tràn lan. Ngoài nguyên nhân từ phía những người kinh doanh, nhà quản lý, chính ý thức và sự thờ ơ của người tiêu dùng đang tiếp tay cho những sản phẩm bạo lực, kém chất lượng có xuất xứ Trung Quốc tràn vào thị trường.

Tại các cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can, hầu hết các bậc phụ huynh đều không hề quan tâm tới đồ chơi có tem nhãn hay không, mà chỉ để ý tới giá cả, chủng loại, mẫu mã và sở thích của trẻ. Thậm chí, có nhiều bậc cha mẹ cho đến nay vẫn không hề hay biết về việc đồ chơi cho trẻ em phải có chứng nhận hợp chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Anh Tạ Hoàng Long, khách mua đồ chơi tại Lương Văn Can, cho biết cho đến nay vẫn chưa hề nghe đến thông tin đồ chơi phải có tem nhãn hợp chuẩn. Chỉ biết rằng loại sản phẩm mặt nạ cao su, súng nhựa, súng bật lửa... có xuất xứ từ Trung Quốc là cấm bán và nguy hiểm cho trẻ.

Nhiều người bán hàng cũng phản ánh rằng, khách hàng chỉ chú ý đến hình thức mẫu mã, giá cả chứ ít quan tâm đến tem hợp chuẩn. Hơn nữa, các sản phẩm cùng loại có tem sẽ có giá cao hơn 20% so với sản phẩm không tem, nên cũng không được người tiêu dùng chọn lựa.

Vừa qua, từ ngày 15-19/8, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã mở chiến dịch kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em và phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, ngày 19/8 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 16 điểm, cửa hàng bán lẻ đồ chơi trên phố Hàng Mã và Lương Văn Can cho thấy, nhiều cửa hàng đã bán đồ chơi nhập lậu không có tem hợp chuẩn, không có hóa đơn chứng từ và đa số có xuất xứ từ Trung Quốc.

Lực lượng này đã thu 572 đồ chơi các loại nhập lâu như ôtô, đồ chơi nhựa tại phố Hàng Mã, thu hơn 30 thùng đồ chơi với hơn 4.000 sản phẩm tại phố Lương Văn Can; trong đó, có nhiều loại đồ chơi bạo lực như súng, dao, kiếm.

Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận, hiện số lượng đồ chơi chưa hợp chuẩn vẫn xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là đồ chơi đã được kiểm nghiệm, chứng nhận, đâu là đồ chơi nhập lậu, có nguy cơ gây độc hại cho trẻ. Do vậy, công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt cần tiến hành tập trung, đồng bộ, kết hợp với sự phối hợp của người tiêu dùng, nhà sản xuất, mới có thể loại bỏ được những đồ chơi không lành mạnh, chưa hợp chuẩn.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó đội trưởng đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết thủ đoạn của tư nhân kinh doanh hàng hóa vi phạm rất tinh vi. Hàng vi phạm để lẫn lộn với hàng hóa hợp pháp; đồng thời, hàng vi phạm cũng được xé nhỏ ra đưa vào thị trường khiến việc phát hiện trở nên khó khăn. Một vấn đề nữa khiến hàng vi phạm tràn lan là tem nhãn hợp chuẩn còn bị làm nhái, giả.

Ông Sơn cũng cho biết thêm thực hiện chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường cũng như của Ủy ban Nhân dân thành phố, đội quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu, lễ Quốc khánh 2/9.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức nhiều đợt kiểm tra cao điểm các mặt hàng đồ chơi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần làm lành mạnh thị trường đồ chơi trẻ em, nhất là khi Tết Trung thu đang gần kề.

Để loại bỏ hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, ngoài kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần phải chú trọng hơn chất lượng, tem nhãn của đồ chơi khi mua./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục