Đoàn "Tàu không số": Khởi đầu với các tàu vỏ gỗ!

Đoàn "Tàu không số" gắn liền với con đường trên biển mang tên Bác làm nên bao chiến công kỳ tích đã bắt đầu từ các con tàu vỏ gỗ.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và những con "Tàu không số" đã trở thành huyền thoại, sáng ngời trang sử hào hùng mà độc đáo trong lịch sử quân sự Việt Nam. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc làm việc cùng Thượng tá-Thạc sĩ Ngô Nhật Dương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về những con tàu lịch sử ấy.
-Thưa Thượng tá, ông có thể nêu rõ yêu cầu có tính chất lịch sử cần phải có đoàn "Tàu không số" năm ấy?

Thượng tá Ngô Nhật Dương: Từ cuối năm 1960, ở miền Nam Việt Nam phong trào cách mạng phát triển mạnh, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền chính quyền tay sai Mỹ ở cơ sở. Để cứu vãn tình thế, Mỹ quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam.

Thực hiện chiến lược này, Mỹ gấp rút đưa nhiều cố vấn quân sự, vũ khí trang bị vào miền Nam, phát triển lực lượng bảo an, cảnh sát, quân đội Sài Gòn, quyết tiêu diệt lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị xác định phải xây dựng lực lượng cách mạng miền Nam đủ sức đánh bại các cuộc tiến công của địch, vì vậy yêu cầu bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang Nam bộ lúc này là rất cần kíp.

-Về việc thành lập và phát triển lực lượng cho nhiệm vụ vận tải quân sự ở thời điểm đó như thế nào, thưa ông?


Thượng tá Ngô Nhật Dương: Tháng 7 năm 1959, tiểu đoàn 603 vận tải quân sự ven biển trực thuộc Đoàn 559 chính thức được thành lập. Sau khi ổn định tổ chức, nghiên cứu tình hình, tiểu đoàn chọn cảng cá Thanh Khê (khu vực cửa sông Gianh-Quảng Bình), đóng thuyền sắm lưới, chuẩn bị mọi mặt cho chuyến vận chuyển đường biển đầu tiên. Để giữ bí mật tiểu đoàn hoạt động dưới danh nghĩa "Tập đoàn đánh cá sông Gianh."

Việc lật cánh tuyến vận tải từ phía đông sang Tây Trường Sơn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp bách của chiến trường, song do bị dịch ngăn chặn quyết liệt đến thời điểm này tuyến 559 mới chỉ vươn tới Khu 5 số lượng vũ khí trang bị chuyển đến các chiến trường còn rất ít so với yêu cầu.

Do tầm quan trọng của tuyến vận tải này, trong phiên họp ngày 31 tháng 1 năm 1961, Quân ủy Trung ương đã xác định "tuyến vận chuyển chi viện đường biển chủ yếu là chuyên chở vũ khí do Quân ủy Trung ương phụ trách.”

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Đoàn 759 chính thức được thành lập. Ông Đoàn Hồng Phước được bổ nhiệm làm đoàn trưởng, ông Võ Huy Phúc làm Chính ủy. Nhiệm vụ trước mắt của đoàn là mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển vũ khí các loại tiếp tế cho miền Nam bằng phương tiện biển. Ngay sau khi thành lập, Đoàn 759 nhanh chóng ổn định tổ chức, mua sắm phương tiện. Biên chế ban đầu của Đoàn có 38 cán bộ chiến sĩ chia làm hai bộ phận: Đoàn bộ và đội tàu.

- Xin ông kể đôi nét chính về kế hoạch và công việc “làm ra” những con tàu năm ấy?


Thượng tá Ngô Nhật Dương: Tại nhiều địa điểm, công việc chuẩn bị vũ khí phương tiện cho con đường chi viện trên biển được tiến hành bí mật nhưng rất khẩn trương. Công an vũ trang Quảng Bình được giao sửa lại một chiếc thuyền của tỉnh Cà Mau.

Công trường khai thác gỗ ở Quảng Bình sửa phần vỏ, phần máy giao cho xưởng cơ khí 6 tháng 1 (Đồng Hới). Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Xưởng đóng tàu 1 (tiền thân của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng) sửa chữa và đóng mới 4 chiếc khác theo mẫu thuyền đánh cá của đồng bào đánh cá ven biển Trà Vinh-Cà Mau.

Nhận được chỉ thị trên Thành ủy Hải Phòng, Xưởng lựa chọn những người thợ tin cậy nhất, có tay nghề cao bắt tay vào công việc, đồng thời chỉ thị cho các đơn vị hết sức ưu tiên tạo điều kiện để Xưởng hoàn thành nhiệm vụ.

Những người thợ đóng tàu làm việc ba ca, gấp rút hoàn thành bốn con tàu theo kiểu tàu đánh cá vỏ gỗ. Do cần tuyệt đối giữ bí mật, nên cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia thiết kế, thi công những “con tàu không số” đều không được biết mục đích công việc, nhưng họ đều tận tâm, tận lực cho việc đóng tàu đạt chất lượng cao nhất.

Tháng 8 năm 1962, bốn con tàu vỏ gỗ được đóng xong, bàn giao cho Đoàn 759 thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Cà Mau an toàn. Những chuyến hàng thắng lợi đầu tiên từ những con tàu do Xưởng đóng tàu I sản xuất đã góp phần rất lớn cho tuyến vận tải chiến lược chi viện vũ khí cho các chiến trường Nam Bộ.

- Về nguồn vũ khí để chi viện cụ thể thế nào, thưa ông?

Thượng tá Ngô Nhật Dương: Vũ khí chi viện cho miền Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ trương tận dụng sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và huy động số vũ khí chiến lợi phẩm của Mỹ, Pháp ta đang có trong  các kho dự trữ.

Do phải vận chuyển trên biển dài ngày nên việc bao gói vũ khí được quan tâm đặc biệt. Tổng cục Hậu cần tổ chức một kho chuyên trách việc bao gói, với yêu cầu bảo đảm vũ khí vận chuyển đường biển không bị hư hỏng, hoặc khi ngâm nước biển vớt lên vẫn sử dụng được.

Sau nhiều lần thí nghiệm bằng cách ngâm thả vũ khí dưới sông Tô Lịch, cuối cùng quân giới đã dùng cách bôi một lớp mỡ bảo quản, sau đó bọc 3 lớp vải bên ngoài, cả gói được quấn chặt rồi nhúng sáp. Số vũ khí sau khi bao gói được đội xe đặc biệt của Tổng cục Hậu cần chuyển giao cho Đoàn 759.

- Vậy việc mở đường đã được thực hiện thế nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Ngô Nhật Dương: Ngày 8/4/1962, tại bến ca nô đồn công an Nhật Lệ (Quảng Bình), chiếc thuyền võ gỗ dưới quyền chỉ huy của đồng chí Bông Văn Dĩa và đồng chí Lê Văn Tranh (Hai Tranh) rời bến. Sau 10 ngày vật lộn với sóng gió, vượt hơn 1.000 hải lý qua quần đảo Hoàng Sa, Cù Lao Thu, Ô Cấp vào ghềnh Hào (Cà Mau), vượt qua các trạm kiểm soát của địch, 22 giờ ngày 18/4, thuyền “không số” đầu tiên cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến trinh sát mở đường giành thắng lợi.

Đồng thời với việc chuẩn bị tổ chức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển, tháng 2 năm 1962, Bộ Chính trị chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ đưa thuyền ra Bắc nhận vũ khí. Nhận được chỉ thị, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa tổ chức 6 thuyền máy vỏ gỗ do các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Tiến, Lê Công Tấn, Nguyễn Thanh Trầm, Bông Văn Dĩa, Nguyễn Văn Phe cùng một số thủy thủ có kinh nghiệm cải trang thành ngư dân vượt biển ra Bắc.

Tuy nhiên do điều kiện thời tiết không thuận lợi lại bị địch kiểm soát gắt gao nên phần lớn số thuyền bị lạc đường, hoặc bị địch bắt.  Chỉ có thuyền của Cà Mau do ông Bông Văn Dĩa chỉ huy ra được miền Bắc.

- Sau bao nhiêu gian nan như vậy, đến khi nào những tấn hàng đầu tiên cập bến, thưa Thượng tá?

Thượng tá Ngô Nhật Dương Ngày 11 tháng 10 năm 1962, đường chi viện trên biển chính thức đi vào hoạt động. Tại Đồ Sơn tàu Phương Đông 1 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa được lệnh xuất phát. Ngày 26 tháng 10, 30 tấn hàng đầu tiên vận chuyển bằng đường biển cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn.

Sau sự kiện trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ chiến sĩ Đoàn 759. Tiếp đó, Đoàn tổ chức ba chuyến vận chuyển thành công. Con đường chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển đã mở./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục