Doanh nghiệp của thị trường 20 tỷ bảng Anh "chào hàng" gì ở Việt Nam?

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Anh vừa giới thiệu loạt dịch vụ tiện ích tới khách hàng Việt Nam như: ATM không tiền, trả tiền điện tại quầy hàng bán lẻ,...
Doanh nghiệp của thị trường 20 tỷ bảng Anh "chào hàng" gì ở Việt Nam? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Người dùng có thể thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại ngay tại các cửa hàng tiện ích gần nhà nhưng vẫn đảm bảo có hóa đơn đầy đủ. Ngoài ra, với công nghệ mới, khách hàng cũng có thể tự nhận diện được xu hướng đầu tư, khả năng thu hồi vốn của chính mảnh đất mình muốn đầu tư.

Đây là một vài ứng dụng công nghệ vừa được các doanh nghiệp của Anh giới thiệu trong buổi hội thảo được tổ chức sáng 12/1.

Nói cụ thể hơn về những sản phẩm của mình, ông Andrew Walden, Trưởng ban Quốc tế Công ty Pay​Point (Anh) đưa ra phương án khá lạ lẫm: "Thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng tiện ích."

Đây là những khoản theo ông thường không lớn nhưng hầu như ai cũng phải trả như hóa đơn điện, nước, điện thoại di động,...

Tuy nhiên, theo ông, thay vì phải tự đi tới từng cơ quan hoặc đợi người thu tới nhà, người dùng có thể thanh toán ngay tại các cửa hàng bán lẻ gần nhà. Việc thanh toán sẽ đảm bảo có hóa đơn xác nhận.

Theo ông, phía PayPoit hiện có kết nối với hàng ngàn mạng lưới cửa hàng bán lẻ tại Anh giúp người dân thêm thuận tiện. Ngoài ra, việc trả các hóa đơn tại điểm bán lẻ có thể kéo người dùng tới cửa hàng và chính các điểm bán lẻ có thể có thêm doanh thu.

"Việt Nam là nước có quy mô thanh toán hóa đơn điện, nước bằng tiền mặt lớn nên chúng tôi rất quan tâm tới thị trường này," đại diện công ty của Anh nói.

Doanh nghiệp của thị trường 20 tỷ bảng Anh "chào hàng" gì ở Việt Nam? ảnh 2Thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng tiện ích là một trong những công nghệ khá độc đáo của PayPoint. (Ảnh: business-review.eu)

Đưa ra ý tưởng khác, đại diện công ty KAL của Anh mang tới Việt Nam công nghệ "ATM không tiền."

Ông Sharath Padmalochanan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của doanh nghiệp chuyên về phần mềm ATM cho rằng, phần mềm cho những cây ATM thế hệ mới theo ông vẫn có khả năng chuyển tiền, xem thông tin tài khoản,.... nhưng thay vì "nhả" tiền, các cây sẽ chỉ nhả "hóa đơn" số tiền khách muốn rút.

Hóa đơn này theo ông hoàn toàn có thể được dùng tại những cửa hàng có kết nối với công ty để mua hàng, thanh toán.

"Việc không sử dụng tiền mặt trong các cây ATM sẽ giúp giảm chi phí an ninh, vận chuyển và giúp các ngân hàng thu được lợi nhuận tốt hơn," đại diện hãng công nghệ nói.

Cũng nhằm mục tiêu đem lại tiện lợi hơn cho người dùng, đại diện của công ty Byoot Capital lại nhắm tới khách hàng muốn đầu tư bất động sản. Theo đó, những thông tin về bất động sản sẽ được đưa lên trang web của hệ thống với đẩy đủ đặc tính như: số tiền mua, số tiền dự kiến sửa sang, khả năng thu hồi vốn nếu cho thuê lại, dự báo dòng đầu tư tại khu vực bất động sản đó,...

Đây là những thông tin theo ông Hussain Al Hilli, người đồng sáng lập công ty, được các chuyên gia tính toán để đem lại niềm tin cho khách hàng.

Đánh giá cao tiềm năng của những công nghệ này trong cuộc sống hàng ngày, ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam khẳng định, đó chỉ là một phần của lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) vốn đang đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ bảng tại Anh mỗi năm.

Cũng theo ông, Việt Nam đang là điểm đến tuyệt vời để xây dựng thị trường tương tự với đặc điểm dân số trẻ, phần lớn dưới 30 tuổi và mật độ người sử dụng internet cao.

"Với các doanh nghiệp Anh trong ngành Fintech tới Việt Nam lần này, tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp kết nối với người dùng Việt Nam," ông Giles Lever nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục