Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu trong khó khăn

Việc các nhà nhập khẩu di chuyển đơn hàng cũng như EVFTA có hiệu lực là cơ hội để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu trong khó khăn ảnh 1Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động xấu tới các ngành kinh tế. Tuy nhiên, riêng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, đặc biệt là ngành gỗ của Bình Dương lại lội ngược dòng, tìm thấy cơ hội mạnh mẽ từ biến cố dịch bệnh mang tầm thế kỷ này.

Các chuyên gia ngành gỗ nhận định, từ trong khó khăn, ngành gỗ có được cơ hội rất lớn từ các thị trường. Bởi khi các quốc gia ngừng giao thương trong một thời gian, các doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ đưa ra chiến lược trữ mặt hàng gỗ để tiêu thụ sau khi đẩy lùi dịch bệnh.

Di chuyển đơn hàng

Trước biến động dịch bệnh COVID-19, giao thương mặt hàng gỗ giữa thị trường Trung Quốc và các thị trường khác tạm thời dừng lại. Việc xoay vòng nguồn vốn, giải quyết lao động, các loại thuế duy trì doanh nghiệp là điều khiến các doanh nghiệp nhập khẩu của thị trường châu Âu và Mỹ trăn trở. Chính vì thế, bắt buộc các doanh nghiệp nhập khẩu phải tìm nguồn thay thế; trong đó Việt Nam là nơi được ưu tiên lựa chọn.

Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc cho hay, trong giai đoạn này, ngành gỗ có cơ hội phát triển rất mạnh.

Lý do chính là, trong quý 1 và quý 2 năm 2020, dịch bệnh xảy ra khiến Mỹ phải đóng cửa giao thương, ngành gỗ Việt Nam và các quốc gia khác không thể nhập hàng vào thị trường này nên lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu Mỹ không còn. Vì vậy, các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ đã tăng lượng đặt hàng lên 4 đến 5 lần so với trước để vẫn có hàng cung ứng nếu xảy ra tình huống tương tự.

[Ngành gỗ Việt Nam: Thay đổi để đón thời cơ từ hiệp định EVFTA]

Thêm vào đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 chính là cơ hội để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam nói chung, ngành gỗ Bình Dương nói riêng có thêm điều kiện thuận lợi để đi vào thị trường nói trên.

Chính vì thế, các nhà sản xuất và chế biến gỗ Bình Dương hầu như hoạt động hết công suất. “Đây là điều chưa từng có từ trước đến nay,” ông Hải chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, chính vì sự di chuyển đơn hàng cũng đã đặt ra cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương nói riêng những thách thức lớn hơn trong sáng tạo, hoàn thành các đơn hàng. Vì dòng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trước đây chủ yếu là các dòng phòng ngủ, phòng ăn, phòng càphê. Thế nhưng, giai đoạn hiện nay, dòng sản phẩm đang "hot" nhất lại là dòng bồn rửa, ghế sofa, tủ bếp.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, các doanh nghiệp nhập khẩu dòng sản phẩm này đã chuyển khoảng 80% đơn hàng sang Việt Nam. Trong khi đó, năng lực sản xuất đáp ứng của các nhà máy chế biến gỗ Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng chỉ đủ khả năng khoảng 30% đơn hàng, số lượng còn lại hoặc phải chờ hoàn thành, hoặc đành bỏ lỡ, ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo của Hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) chia sẻ.

Giành cơ hội tiếp theo

Trước sự di chuyển đơn hàng và một số thị trường bị ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Bình Dương đã xác định hướng đi mới để có thể nắm bắt cơ hội tốt nhất trong phát triển các sản phẩm gỗ và xuất khẩu đồ gỗ trên thị trường quốc tế.

Khi các doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương tiếp nhận các đơn hàng lớn, cũng đồng nghĩa với việc thực hiện các tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt, đó chính là đặc thù mà các doanh nghiệp chế biến gỗ phải chấp nhận. Do vậy, để đón đầu các đơn hàng lớn, các khách hàng lớn thì doanh nghiệp gỗ Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng phải có sự chuẩn bị tốt và nghiêm túc. Có như vậy, mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu trong khó khăn ảnh 2Khách quốc tế tham quan hội chợ VIFA-EXPO 2019. Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Phan Thế Hải, tiêu chuẩn của khách hàng là nhà sản xuất phải có quá trình thực hiện các bước nằm trong quy trình bắt buộc. Đó là bắt buộc về yêu cầu kỹ thuật và thời gian hoàn thành. Chỉ cần doanh nghiệp không đáp ứng được, cũng đồng nghĩa với mất cơ hội trong việc nhận đơn đặt hàng lần sau. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải tính toán kỹ lưỡng việc đầu tư thiết bị, công nghệ, xác suất hoàn thành lâu nhất để đón đơn hàng của những khách hàng lớn, khó tính như châu Âu và Mỹ.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gỗ Bình Dương nắm bắt cơ hội lớn này, chính quyền tỉnh Bình Dương đã có những chiến lược cụ thể trong hỗ trợ nguyên liệu ngành gỗ.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ, tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các tỉnh có diện tích rừng trồng, tập trung các loại gỗ nguyên liệu mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu gỗ nguyên liệu, cũng là một giải pháp chứng minh truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ, một trong những yêu cầu khó khăn hiện nay của ngành gỗ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng đơn hàng nhanh nhất.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã lồng các chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia vào xúc tiến thương mại ngành gỗ, đặc biệt là đẩy mạnh thương mại điện tử lên các sàn giao dịch điện tử như Ebay, Alibaba, Amazon...

Bằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến gỗ và chính quyền địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ Bình Dương ước đạt 2,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục