Doanh nghiệp Nhật áp dụng các biện pháp khẩn cấp tại Trung Đông

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai các dự án ở Trung Đông đã áp dụng các biện pháp an ninh khẩn cấp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên và đội ngũ chuyên gia của họ.
Người dân Nhật Bản tuần hành trong im lặng tại thủ đô Tokyo, tưởng niệm phóng viên Kenji Goto bị IS hành quyết. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau sự kiện con tin Kenji Goto của Nhật Bản bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết, các doanh nghiệp triển khai các dự án ở nước ngoài của Nhật Bản đang đẩy nhanh các biện pháp bảo đảm an ninh cho các nhân viên và đội ngũ chuyên gia của họ nhằm giảm thiểu tới mức nhỏ nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Tập đoàn Hitachi, hiện đang có các dự án lọc dầu ở Trung Đông, cho biết đã ra thông báo lại yêu cầu toàn bộ nhân viên không tới gần khu vực biên giới các nước Iraq, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục ra các thông báo mạnh mẽ khác nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của từng nhân viên.

Cùng lúc, Mitsubishi cũng cho biết đã lên danh sách các nước nghiêm cấm nhân viên của họ tới công tác. Danh sách các nước này dựa trên sự tham khảo từ thông tin của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đồng thời Mitsubishi cho biết trong thời gian tới sẽ có thể điều chỉnh tiếp phạm vi các khu vực áp dụng.

Tại các tập đoàn và công ty lớn đang hoạt động ở khu vực Trung Đông, các nhân viên người Nhật dù làm việc ngắn hay dài hạn, đều được yêu cầu phải ở tại trụ sở.

Không chỉ có các doanh nghiệp khai khoáng, các doanh nghiệp sản xuất ôtô Nhật Bản cho biết cũng sẽ đẩy mạnh việc tăng cường bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân viên và cơ sở sản xuất của họ trong khu vực Trung Đông.

Ngoài việc tăng cường bảo vệ cho các nhà máy sản xuất, nhiều công ty cho biết sẽ áp dụng các biện pháp như dừng hoạt động sản xuất của nhà máy vào ban đêm, giảm thiểu việc phái cử nhân viên tới các khu vực ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo đánh giá của giới doanh nghiệp sản xuất ôtô, mặc dù các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản không đưa ra những biện pháp đặc biệt cụ thể như dừng sản xuất ở các khu vực nguy hiểm, song việc IS không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động ở khu vực Trung Đông khiến những người quản lý Nhật Bản buộc phải nhận thức được những thách thức và đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp nhằm đảm an toàn cho người lao động Nhật tại khu vực này.

Nhật Bản phụ thuộc tới hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Giới kinh doanh Nhật Bản lo ngại nếu IS mở rộng hoạt động ở các nước sản xuất dầu mỏ, thì sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn dầu thô và gây ra biến động nguy hiểm về giá.

Trong khi đó, các hãng du lịch hàng đầu Nhật Bản, như JTB, cũng đã bắt đầu triển khai việc cung cấp các thông tin cần lưu ý do Bộ Ngoại giao Nhật Bản ban hành đối với các du khách đang dự định thực hiện các chuyến đi du lịch ở nước ngoài.

Mặc dù việc đi du lịch nước ngoài chưa bị hạn chế, song các hãng du lịch cho biết sẽ theo dõi sát sao các thông báo của Chính phủ Nhật Bản nhằm cảnh báo khách hàng một cách tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục