Tây Nguyên: Doanh nghiệp “xin” cơ chế đặc thù

Doanh nghiệp tại Tây Nguyên “xin” cơ chế đặc thù

Đề nghị có cơ chế chính sách tín dụng đặc thù, lãi suất thấp dưới 10% là các ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp tại Tây Nguyên.
Đề nghị có cơ chế chính sách tín dụng đặc thù, lãi suất thấp dưới 10% là các ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp tham dự cuộc tọa đàm về các giải pháp mở rộng tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, ngày 11/4, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Cần “phân biệt đối xử” trong cho vay

Nghe tưởng như vô lý khi đòi sự “phân biệt đối xử,” thế nhưng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên càphê Ia Grai (Gia Lai) lại dường như “có lý” khi đề cập đến chính sách cho vay.

“Cùng một đồng vốn vay của ngân hàng, nếu doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn có kết cấu hạ tầng tốt, mặt hàng kinh doanh ít rủi ro thì hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng vốn sẽ cao và ngược lại,” Giám đốc Nguyễn Đại Ngọc nói.

Đưa ra dẫn chứng, ông Ngọc cho hay, nhu cầu vốn lưu động để đảm bảo sản xuất của công ty hàng năm trên dưới 100 tỷ đồng, song các ngân hàng thương mại mới đảm bảo cho công ty vay được 40% nhu cầu. Từ đó, công ty phải huy động ngoại với lãi suất 18%/năm của năm 2012 và 15,6% năm 2013 làm cho chi phí tài chính hàng năm của doanh nghiệp cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm. Thậm chí, có ngân hàng chỉ cho công ty vay bằng 5% tài sản đảm bảo tiền vay.

Cũng theo ông Ngọc, nguồn vốn mà doanh nghiệp càphê cần là rất lớn, vượt quá sức của bản thân doanh nghiệp và các hộ nông dân nên việc hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại là vô cùng cần thiết.

Ông Ngọc kiến nghị: “Nếu tính mỗi hécta tái canh cần 200 triệu đồng, thì lượng vốn cần cho tái canh của càphê là 40.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp và người trồng càphê không thể giải quyết được bài toán về vốn. Do vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ chương trình tái canh với vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp và thời gian vay kéo dài từ 7-10 năm.”

Hiện tại, vốn tái canh ngân hàng cho công ty Ia Grai vay với lãi suất 15%/năm và thời gian thu hồi vốn vay bắt đầu từ năm thứ 4. Theo ông Ngọc, đây là thời gian thu hồi vốn quá ngắn trong khi chu kỳ kinh tế của cây càphê là từ 25-30 năm.

Đồng tình, ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long-Gia Lai cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất hợp lý đối với các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

“Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xuống nhưng đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Tây Nguyên vẫn là cao. Nếu lãi suất cho vay giảm xuống được dưới 10% thì sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Tây Nguyên tập trung đầu tư cho cấc lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm xuất khẩu như càphê, cao su, hạt tiêu...,” ông Pháp nêu ý kiến.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai, ông Nguyễn Tuấn cũng cho rằng, hiện nay tuy lãi suất đã giảm nhưng ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên siết chặt điều kiện cho vay, còn doanh nghiệp thì muốn vay nhưng khó tiếp cận vốn do hết tài sản thế chấp, nợ quá hạn hoặc không muốn vay vì chờ đợi thị trường ấm lên...

Vì vậy, thời gian tới ngân hàng cần mạnh dạn cho vay đồng thời sẵn sàng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. “Nhưng trước tiên ngân hàng cần phải siết kỷ luật, tăng cường năng lục cán bộ trong việc thẩm định dự án, thẩm định tài sản,” ông Tuấn nói.

Về lãi suất, ông Tuấn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giảm để từ nay tới cuối năm 2013 đưa lãi suất ngắn hạn về 10-11%.

Ông Tuấn cho hay vào vụ mùa, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cầ một lượng vốn rất lớn, khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, trong khi tài sản thế chấp của doanh nghiệp có hạn.

“Vì vậy, các ngân hàng cần đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp để cho vay tín chấp với tỷ trọng cao hơn. Đặc biệt, Gia Lai nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung có nhiều doanh nghiệp chế biến càphê bột, đây là lĩnh vực chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cuối cùng của cây càphê nên cần được các ngân hàng thương mại chú trọng tạo điều kiện đầu tư phát triển,” ông Tuấn đề xuất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng tiếp tục cam kết hỗ trợ người trồng và kinh doanh mặt hàng càphê xuất khẩu. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ lực trong cho vay đối với trồng và chế biến xuất khẩu càphê dành trên 5.000 tỷ đồng với lãi suất phù hợp để cho vay đối với ngành càphê, trong đó dành khoảng 3.300 tỷ đồng để cho vay tái canh vườn cây càphê già cỗi nhằm nâng cao chất lượng của cây càphê Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng sẽ nghiên cứu các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của địa bàn: thiết kế các khoản vay có tính chất vụ mùa và thời điểm liên quan đến lĩnh vực trồng trọt đồng thời phát triển sản phẩm tín dụng theo chuỗi; có các sản phẩm cho vay đối với các dự án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, quảng bá. Các tổ chức tín dụng cũng nghiên cứu áp dụng mức lãi suất ổn định hơn, đặc biệt là với các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

"Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị chính phủ cùng các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng khu vực Tây Nguyên đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng thông qua kênh Ngân hàng Phát triển (VDB); mở rộng hơn các điều kiện ưu đãi về tín dụng quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp,” ông Tú nói.

Then chốt vẫn là hạ tầng

Bên cạnh những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và các nhà nghiên cứu lại có cái nhìn "chuyên sâu" hơn khi đề cập đến cơ sở hạ tầng.

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, rõ ràng tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực, số hộ nghèo tương đối cao (chiếm tới 15% tổng số hộ nghèo cả nước)...

Vì vậy, theo tiến sỹ Sơn, nhà nước cần tăng cương huy động vốn đầu tư từ các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên địa bàn các tỉnh trong vùng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh đến việc phát triển kết cấu hạ tầng khu vực Tây Nguyên-địa bàn chiến lược cả về đường bộ, hàng không và đường sắt để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn năm tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum.

Trong khi đó, lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đồng tình khi cho rằng chính phủ cần tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài ngân sách qua các hình thức đầu tư BOT, BT để nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14 - tuyến giao thông huyết mạch của khu vực để tạo sự thông thương, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long-Gia Lai cũng kiến nghị chính phủ cho phép doanh nghiệp tham gia vốn đối ứng khoảng 15% trong các dự án cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa các thành phần cũng như thu hút được các nguồn lực vào lĩnh vưc then chốt là hạ tầng./.

Tính đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên đạt trên 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 2% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc.

Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 104.000 tỷ đồng, tăng gần 13,5% so với cuối năm 2011 và chiếm khoảng trên 3% tổng dư nự tín dụng toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng trung bình tại khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2010-2012 đạt khoảng trên 27%/năm.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của khu vực này vào khoảng gần 208.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là hơn 512.000 tỷ đồng.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục