Hiện nay, Việt Nam không chỉ là điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI nhờ vào lực lượng nhân công dồi dào với mức lương rẻ mà đang chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp hóa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn. Thế nhưng, khi các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, tăng đầu tư và muốn tuyển dụng một lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề thì nguồn nhân lực Việt Nam lại không đáp ứng đủ.
Trước thực trạng này, Văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra đề xuất chính sách với chủ đề: “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác ba bên để giải quyết sự khập khiễng kỹ năng: Chiến lược phá triển kỹ năng đổi mới để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam.”
Theo đánh giá của JICA, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ tập trung vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, để có thể tiến tới giai đoạn công nghiệp hóa tiếp theo, Việt Nam cần nguồn nhân lực kỹ thuât các như các kỹ thuật viên lành nghề, các nhà quản lý dây chuyền sản xuất và các kỹ sư sản xuất giỏi. Đây là sẽ nguồn nhân lực có thể cải thiện chất lượng sản phẩm và vận hành sản xuất.
Ông Junichi Mori, chuyên gia tư vấn của JICA cho rằng không chỉ các công ty nước ngoài nhận chuyển giao công nghệ trực tiếp thông qua FDI mà cả các doanh nghiệp trong nước với mục tiêu hội nhập vào chuỗi cung cấp của các tập đoàn quốc gia hoặc mong muốn giành được nhiều thị phần trong thị trường nội địa cũng cần nguồn lực kỹ thuật lành nghề.
Trong cuộc khảo sát gần đây của JICA tiến hành với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy nhu cầu lớn về kỹ thuật viên ở Việt Nam. 80% doanh nghiệp được khảo sát trả lời là cần có các kỹ thuật viên lành nghề cho doanh nghiệp. Đặc biệt, 89% doanh nghiệp vẫn có nhu cầu cần nguồn nhân lực này trong tương lai. Trong trung và dài hạn, Việt Nam chắc chắn sẽ cần nhiều kỹ thuật viên lành nghề để trở thành nước có thu nhập cao.
Ông Yuichi Kobayashi, Trưởng Ban Phát triển nguồn Nhân lực, Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, bản thân các doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn tăng cường đầu tư nhưng lại gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lành nghề của doanh nghiệp.
Theo một khảo sát gần đây của World Bank, 80% doanh nghiệp cho rằng các ứng viên cho vị trí kỹ thuật viên thiếu các kỹ năng cần thiết và 40% cho rằng chất lượng đào tạo nghề là một sự trở ngại.
Đánh giá về kết quả khảo sát này, ông Junichi Mori cho rằng sự khập khiễng kỹ năng nghề tại Việt Nam chủ yếu là sự thiếu hụt các ứng viên có năng lực và khoảng cách kỹ năng nghề còn lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do thiếu hụt cán bộ quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên.
Theo ông Junichi Mori, ở Việt Nam, nhiều cơ sở dạy nghề chưa hiểu rõ về nhu cầu kỹ năng nghề của ngành công nghiệp. Sự thiếu hụt các thông tin chi tiết và sự thay đổi nhanh chóng về các nhu cầu tuyển dụng khiến các cơ sở đào tạo nghề khó nắm bắt được đâu là những kỹ năng nghề mà ngành công nghiệp đang cần.
“Các chương trình đào tạo đã được hình thành mà không có các thông tin đầy đủ về các yêu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp khiến người lao động hay những ứng viên không có đủ năng lực cần thiết khi đi xin việc,” ông Junichi Mori nói.
Mặt khác, ông Junichi Mori cũng cảnh báo, việc tăng nguồn cung lao động có kỹ năng nghề là cần thiết nhưng nó sẽ không đóng góp cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nếu các kỹ năng không được ngành công nghiệp hấp thụ và sử dụng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam không nên chỉ tập trung cải thiện nguồn cung kỹ năng mà còn cần đồng bộ hóa các chính sách kỹ năng nghề với các chiến lược công nghiệp hóa./.