Hỗ trợ người đoạt giải thi tay nghề: Khắc phục chảy máu chất xám

Kỳ thi Tay nghề ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong công tác dạy nghề, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt giao lưu, gặp gỡ với thi sinh trong khu vực.
Hỗ trợ người đoạt giải thi tay nghề: Khắc phục chảy máu chất xám ảnh 1Thí sinh thi môn công nghệ ôtô đang hoàn thiện phần thi. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhân dịp Việt Nam tiếp tục đạt được thứ hạng cao nhất tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN (liên tiếp các năm 2004, 2006, 2014), ngày 28/10, phóng viên thông tấn, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 về chính sách hỗ trợ các thí sinh đoạt giải tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN; giải pháp để lao động Việt Nam nâng cao năng suất lao động, theo kịp xu thế của khu vực và thế giới.

- Sau 3 ngày thi đấu cạnh tranh quyết liệt, công bằng, đến nay, đoàn Việt Nam đã giành được giải nhất toàn đoàn tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10. Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả và ý nghĩa của Kỳ thi?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Đến thời điểm này có thể khẳng định Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 đã diễn ra thành công, bảo đảm khách quan, trung thực, hữu nghị và an toàn. Bên cạnh việc đạt được mục tiêu Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn, cần đánh giá Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp làm tốt công tác chuẩn bị từ ngày đầu đến nay.

Kỳ thi tay nghề ASEAN là một hoạt động lớn, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa các nước cộng đồng ASEAN; thúc đẩy phong trào học nghề, dạy nghề, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của giới trẻ; phát triển kỹ năng quốc gia của mỗi nước thành viên đạt tiêu chuẩn kỹ năng của các nước tiên tiến trên thế giới.

Kỳ thi cũng góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong công tác dạy nghề, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam giao lưu, gặp gỡ với thi sinh các nước trong khu vực, nhằm khuyến khích, thu hút học nghề. Về chất lượng, Việt Nam đã giành được giải nhất toàn đoàn nhưng không vì thế mà tự mãn, mỗi thí sinh, chuyên gia cần coi đây là động lực để phấn đấu hơn nữa, nhất là trong việc để người dân thấy được vai trò quan trọng của kỹ năng nghề.

- Xin Thứ trưởng cho biết thông qua Kỳ thi này có thể kỳ vọng gì đối với kỹ năng nghề của Việt Nam trong bối cảnh đang bị coi là nước có năng suất lao động thấp?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Nâng cao năng suất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bởi năng suất lao động do nhiều nhóm đối tượng lao động quyết định. Hiện trong cơ cấu lao động của Việt Nam phần lớn là lao động nông nghiệp; số lượng lao động đã qua đào tạo ít. Những điều kiện đó ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiện, Đảng, Nhà nước đang xây dựng các chính sách vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng các trường nghề chất lượng cao, với mục tiêu đến 2020 tập trung vào 26 nghề trọng điểm quốc tế, 49 nghề khu vực 120 nghề trọng điểm quốc gia.

Việc sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII sẽ tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm và sự tự chủ của các cơ sở đào tạo nghề; góp phần triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả Kỳ thi Tay nghề ASEAN là cơ chế quan trọng để các cơ quan quản lý xây dựng, hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời gian tới.

- Sau Kỳ thi Tay nghề ASEAN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ các thí sinh đoạt giải, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Sau khi được vinh danh, các thí sinh phải tìm mọi cách để có một công việc tốt là một thực tế đã tồn tại trong những năm gần đây. Để khắc phục thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lập đoàn kiểm tra để tìm hiểu cũng như có những giải pháp khắc phục "lỗ hổng chảy máu chất xám" trên.

Thời gian tới, ngoài phần thưởng về tiền, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ kiến nghị sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng có chính sách đối với những thí sinh đạt giải cao trong Kỳ thi tay nghề sẽ được học đại học; nhà trường sẽ giữ các em ở lại làm giảng viên dạy nghề.

Bên cạnh đó, tới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ là đầu mối để liên kết các thí sinh với các doanh nghiệp, giúp các em tìm được công việc tốt, với môi trường thu nhập cao./.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục