Doanh số ôtô thị trường Việt Nam vẫn không thể bứt phá trong tháng Hai

Trái với kỳ vọng tăng trưởng được dự báo, trong tháng 2/2022, toàn thị trường ôtô Việt chỉ có 22.802 chiếc xe được bán ra, giảm 26% so với tháng liền trước đó.
Mẫu xe ôtô điện VinFast e34. (Ảnh: VinFast)
Mẫu xe ôtô điện VinFast e34. (Ảnh: VinFast)

Tin từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA) đưa ra ngày 10/3 cho hay trong tháng Hai toàn thị trường có 22.802 xe được bán ra, giảm 26% so với tháng Một và tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số này có 17.541 xe du lịch, giảm 31%; phân khúc xe thương mại đạt 4.782 chiếc, giảm 7,6% so với tháng Một. Trái ngược lại với xu hướng giảm, phân khúc xe chuyên dụng đạt 479 chiếc, tăng 67% so với tháng Một.

Xét về nguồn gốc, sản lượng lắp ráp trong nước là 14.528 xe, nhập khẩu đạt 8.274 xe, giảm lần lượt là 18% và 36% so với tháng đầu năm.

Doanh số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam bởi còn có sự tham gia của các thương hiệu Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… không tiết lộ doanh số bán hàng.

Doanh số ôtô thị trường Việt Nam vẫn không thể bứt phá trong tháng Hai ảnh 1Doanh số thị trường xe ô tô sau 2 tháng đầu năm 2022. (Biểu đồ: VAMA)

Cũng trong tháng này, TC Motor đã bán ra 4.173 xe trong khi VinFast đã xuất xưởng 1.154 xe, bao gồm 697 xe Fadil, 170 xe Lux A2.0, 234 xe Lux SA2.0 và 53 xe VF e34.

Tính tổng doanh số của VAMA và TCMotor và VinFast cộng lại, toàn thị trường xe hơi Việt Nam trong tháng Hai xuất xưởng 28.129 xe, giảm khoảng 30% so với cùng tháng Một.

Trong bảng xếp hạng theo các hãng xe, Kia (THACO) vươn lên dẫn đầu thị trường Việt Nam với 5.112 xe được bán ra, đẩy TC Motor (4.173 xe) xuống vị trí thứ ba. Đứng ở vị trí hai thuộc về Toyota với 4.288 xe. Các vị trí còn lại thuộc về Mazda với 2.468 xe, Honda với 1.830 xe, Mitsubishi 1.682 xe…

[Xăng dầu liên tục tăng giá: Áp lực lớn với nhiều ngành hàng, sản xuất]

Theo thông tin tổng hợp từ Hiệp hội và các hãng xe, doanh số ôtô trong tháng 2/2022 tiếp tục có sự trượt dốc kể từ tháng đầu năm mà không có “cú đảo chiều” tăng trưởng như đã dự báo.

Giới chuyên gia nhận định sự sụt giảm liên tiếp về doanh số ôtô trong tháng này được cho là do sự bùng phát của COVID-19 khiến sức mua kém đi. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng thiếu chip điện tử, linh kiện sản xuất vẫn đang khiến ngành ôtô toàn cầu và trong nước nói riêng đối mặt với tình trạng cung không đủ cầu.

Trong tháng tới, các chuyên gia cho rằng khó có thể dự báo xu hướng tăng/giảm của thị trường bốn bánh do các khó khăn kể trên vẫn chưa được kiểm soát. Do vậy, thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tiếp theo có thể sẽ tiếp tục gặp khó và không đạt được tăng trưởng đột phá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục