Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí

Lễ đặt gánh của người Sán Chí giống như lễ ăn hỏi trong đám cưới của người Kinh, với nhiều tục lệ độc đáo góp phần làm phong phú văn hóa Việt.

Người Sán Chí ở Kiên Lao, Lục Ngạn (Bắc Giang) có tục làm Lễ đặt gánh trước khi tổ chức đám cưới với những điệu hát đối đáp "Cháu Côộ" có từ ngàn xưa, là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay.

Về mặt ý nghĩa, Lễ đặt gánh của người Sán Chí giống như Lễ ăn hỏi trong đám cưới của người Kinh. Đây là thủ tục tiến hành sau các Lễ dạm ngõ, Lễ so mệnh, Lễ thách cưới của người Sán Chí. Lễ đặt gánh thường được tổ chức vào ngày mùng một hoặc ngày giữa tháng.

Vào những ngày lành tháng tốt ấy, đoàn nhà trai gồm 5 người gồm một ông mối và 4 thanh niên phụ lễ sẽ qua nhà gái nói chuyện.

Quà trong Lễ đặt gánh do nhà trai mang tới nhà gái gồm một chai rượu, 1kg thịt lợn, một phên đường và một gói trầu cau. Khi họ nhà trai tới cửa, nhà gái sẽ mang một sàng rượu ra chặn cửa chưa cho vào. Muốn vào nhà để nói chuyện se duyên, nhà trai phải hát đối với nhà gái khi nào thắng mới được vào nhà. Nếu nhà trai không thắng được thì sẽ phải chịu phạt, họ phải uống một chén rượu và chịu đội sàng rượu lên đầu.

Sau khi vào nhà, họ nhà trai và nhà gái ngồi hai bên đối diện. Ông mối sẽ bày lễ trước mặt nhà gái. Nhà gái nhận lễ vật bằng cách bổ cau và têm trầu mời cả hai họ. Tiếp theo nhà gái sẽ làm lễ báo với tổ tiên xin phép được cho con gái đi lấy chồng. Khi tổ tiên chấp nhận thì cũng là lúc nhà gái bày cỗ mời rượu và cùng nhau hát Cháu Côộ. Hát Cháu Côộ là lối hát vừa ăn cỗ, uống rượu vừa hát ở những dịp cưới hỏi.

Đây là phần độc đáo nhất trong Lễ đặt gánh. Nhà trai và nhà gái cùng hát những lời ca có nội dung chúc mừng cô dâu chú rể và ca ngợi quê hương.

Tàn tiệc hát Cháu Côộ, lúc nhà trai ra về thì mỗi người trong đoàn, trừ ông mối, đều bị đánh dấu bằng cách quệt nhọ nồi lên mặt. Theo tục lệ của người Sán Chí, vết nhọ trên mặt là để mọi người đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra.

Ngày nay, Lễ đặt gánh của người Sán Chí với các thủ tục giản dị vẫn được duy trì ở vùng Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Sự tồn tại của nét đẹp văn hoá này cùng với những làn điệu dân ca Sán Chí đã góp phần làm phong phú hơn cho nền văn hóa Việt./.

Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 1Lễ cúng mời tổ tiên chứng kiến Lễ đặt gánh của người Sán Chí. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 2Lễ vật đơn giản gồm có con gà, đĩa xôi, miếng thịt lợn và chai rượu trắng. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 3Lễ đặt gánh của người Sán Chí diễn ra trước ngày cưới. Đây là dịp để người lớn tuổi hai họ chọn ngày cưới cho con, cháu của mình. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 4Nhà trai làm các thủ tục truyền thống trước khi nói chuyện về lễ cưới với nhà gái. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 5Cùng nhau hát Cháu Côộ trong Lễ đặt gánh người Sán Chí. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 6Hát Cháu Côộ là hình thức hát dân gian độc đáo của người Sán Chí trong những dịp cưới, hỏi. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 7Họ nhà trai chịu phạt bằng hình thức nhận sàng rượu đặt lên đầu sau khi thua hát đối trước nhà gái. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 8Lúc chia tay, nhà gái đánh dấu bằng nhọ nồi lên mặt các thành viên của họ nhà trai. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 9Theo tục lệ của người Sán Chí vết nhọ trên mặt là để mọi người đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra. (Ảnh: Việt Cường)
Độc đáo tục lễ đặt gánh trước đám cưới của người Sán Chí ảnh 10Trước đây phụ nữ Sán Chí thường lập gia đình sớm, ngày nay tuổi kết hôn của họ thường khoảng từ 16-18 tuổi. (Ảnh: Việt Cường)
(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục