Đổi BIN không ảnh hưởng đến khách hàng dùng thẻ

Quan chức Vietcombank khẳng định việc đổi mã BIN theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ không làm ảnh hưởng đến thanh toán của khách hàng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, chiều 8/1, bà Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank), khẳng định việc thay đổi mã BIN sẽ không làm ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động thanh toán cũng như chi tiêu của các chủ sử dụng thẻ Connect24.

Cũng nhằm giải toả lo lắng của nhiều khách hàng về việc từ 6/1, Vietcombank sẽ tiến hành đổi thẻ cho các khách hàng là chủ thẻ thanh toán nội địa Connect24 do ngân hàng phát hành, bà Hằng nhấn mạnh đây chỉ là một việc làm hết sức bình thường của các ngân hàng trong lộ trình chuẩn hóa mã BIN theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

BIN có thể hiểu là ID (chứng minh thư) nhận dạng của một ngân hàng để khi chạy trên hệ thống chuyển mạch không bị lẫn lộn, chứ không phải là mã bảo vệ (PIN).

Ví dụ mã BIN của Vietcombank là 6789, trong trường hợp những ngân hàng khác nếu vì không biết mà chọn đúng số này thì khi chạy qua hệ thống thanh toán sẽ khiến cả hệ thống giao dịch bị tê liệt.

Điều này cũng đồng nghĩa hệ thống thanh toán sẽ không nhận dạng được mã để 'đòi tiền' của ngân hàng phát hành thẻ, gây ra rủi ro về thanh toán cho khách hàng và cho cả ngân hàng.

"Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy bất cập này và quyết định chuẩn hóa BIN", bà Hằng giải thích thêm.

Cũng theo quan chức này, từ trước đến nay, mỗi ngân hàng đều tự nghĩ ra cho mình một mã BIN. Thậm chí, có ngân hàng còn sở hữu tới 5 BIN. Đó là do cứ một sản phẩm mới là ngân hàng có một mã BIN, mà lại chọn theo số đẹp (kiểu như 6868, 9999....), không tuân theo chuẩn.

Trước đây, chỉ một vài ngân hàng phát hành thẻ nên thực tế này không làm nảy sinh phức tạp. Nhưng hiện nay, với hơn 40 ngân hàng tham gia vào thị trường thẻ, thì việc mỗi một ngân hàng có một mã BIN riêng đã gây tình trạng lộn xộn.

Khắc phục tình trạng này, cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn hóa BIN theo chuẩn ISO.

Theo đó, tất cả các ngân hàng phải gửi hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xem xét, nếu đủ uy tín và điều kiện sẽ được cấp một mã BIN phát hành thẻ nội địa.

Về thẻ quốc tế, mỗi ngân hàng chỉ 1 mã BIN, vì các loại thẻ này do các tổ chức phát hành thẻ quốc tế đã chuẩn hóa BIN từ rất lâu.

Theo các chuyên gia, do Việt Nam mới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, nên việc tiến tới thực hiện chuẩn hóa BIN là việc làm tất yếu. Lộ trình chuẩn hoá này được Ngân hàng Nhà nước quy định là từ cuối năm 2007 đến hết tháng 6/2011.

Hiện tại, đã có 36 ngân hàng tiến hành chuyển đổi mã BIN theo chuẩn hóa của Ngân hàng Nhà nước, với mã BIN chuẩn của thẻ nội địa lưu hành tại Việt Nam là 9704xx, 2 số xx (từ 00 đến 99) sẽ được cấp cho các ngân hàng tại Việt Nam.

Trong lộ trình này, các ngân hàng sẽtiến hành chuyển đổi dần mã BIN và hệ thống thanh toán sẽchấp nhận chạy song song cả BIN cũ (đối với những ngân hàng chưa tiếnhành đổi) và BIN mới (đối với những ngân hàng đã hoàn tất việc đổi).

Riêng với Vietcombank, do lượng chủ thẻ lên tới con số 4 triệu, lớn nhất trong số các ngân hàng phát hành thẻ hiện nay, thì theo kịp lộ trình trên cũng là một khó khăn.

"Với đặc thù lượng khách hàng quá lớn, chúng tôi có lo ngại về vấn đề chuyển đổi. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện theo kiểu 'cuốn chiếu'. Nếu không kịp về thời gian, ngân hàng sẽ xem xét đến khả năng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho kéo dài để không làm ảnh hưởng đến việc chi tiêu của khách hàng và việc chuyển đổi sẽ được thực hiện miễn phí", bà Nguyễn Thanh Hằng cho biết.

Bà Hằng cũng lưu ý khách hàng không cần thiết phải nhớ mã BIN, chỉ cần nhớ số thẻ, mã số PIN cá nhân. Mã số BIN chỉ có ý nghĩa trong trường hợp xảy ra khiếu nại, dựa trên mã BIN đã cấp cho mỗi ngân hàng, Ngânhàng Nhà nước sẽ nhận biết được ngân hàng phát hành của chủ thẻ cókhiếu nại để giải quyết./.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục