Xe buýt gồng mình

Đổi giờ học, làm việc: Xe buýt gồng mình chạy đua

Trong khi đang chịu quá tải 200% vào giờ cao điểm, Transerco lo ngại sẽ không thể kịp đáp ứng nếu việc đổi giờ làm bắt đầu từ 1/12.
Cả Bộ Giao thông Vân tải và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đều đã trình Chính phủ phương án thay đổi giờ học, làm việc như một giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Vấn đề chỉ còn chờ quyết định lựa chọn từ Chính phủ.

Thời điểm dự kiến áp dụng có thể là ngay từ ngày 1/12 này. Trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), Tổng điều hành Hanoibus tỏ ra lo ngại Transerco sẽ không kịp điều chuyển và phân bố đủ lượng xe buýt phục vụ hành khách.
Bên cạnh đó, còn có những nỗi lo về chất lượng dịch vụ của loại hình vận tải công cộng này sẽ không được đảm bảo khi mà lượng hành khách đi xe quá đông, quá tải tới 200%, trong giờ cao điểm, rồi  ùn tắc giao thông làm tăng thời gian mỗi chuyến khiến hành khách phải chờ lâu....

- Theo kết quả điều tra xã hội học, 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt, 65% đánh giá bình thường, chỉ có 8% đánh giá kém và 1% đánh giá là rất kém. Vậy, từ những con số này, ông có suy nghĩ gì về chất lượng của xe buýt?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Trong 10 tháng đầu năm, xe buýt đã thực hiện vận chuyển an toàn với hơn 2,6 triệu lượt xe (58 triệu km chạy xe). Sản lượng vận chuyển đạt trên 337 triệu lượt khách, chiếm 93% tổng sản lượng khách vận chuyển toàn mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động xe buýt vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như: thái độ phục vụ cũng như ý thức chấp hành luật giao thông của một số công nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ vẫn gây bức xúc dư luận xã hội.

Hạ tầng dành cho xe buýt, điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt còn thiếu và yếu, chất lượng phương tiện vẫn còn chưa cao.

Tình trạng quá tải trong giờ cao điểm vừa là thành công nhưng cũng vừa là thách thức trong việc duy trì và nâng cao năng lực phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ.

- Thời gian gần đây xuất hiện nhiều lái xe ứng xử thiếu văn mình. Phải chăng công tác đào tạo, sát hạch lái xe đầu vào của công ty còn sơ sài?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Transerco luôn ý thức được công tác đào tạo, giáo dục, tập huấn cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên hàng năm.

Những tháng vừa qua, với các lỗi vi phạm như làm thất thoát doanh thu, cắt lộ trình và thái độ vô lễ với khách hàng sau khi có bằng chứng rõ ràng, chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động.

Công ty cũng tiến hành tổ chức hơn 100 khóa đào tạo với gần 3.414 lượt học viên là công nhân lái xe, nhân viên bán vé của các đơn vị. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp và tổ chức một khóa đào tạo cho khoảng 500 lái xe, đào tạo đạo đức người lái xe và thái độ phục vụ.

Tổng công ty cũng phối hợp Thanh tra Giao thông Vận tải, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông triển khai chương trình đào tạo liên ngành nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.

- Đối với những lái, phụ xe buýt vi phạm, công ty sẽ có hình thức xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Những tháng vừa qua, chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động với 180 trường hợp vi phạm. Riêng trong tháng 10, bình quân mỗi ngày chúng tôi đuổi một nhân viên vi phạm nội quy.

Ngoài ra, các lực lượng giám sát được chia ra từng cấp như đơn vị, công ty, kiểm tra giám sát của Nhà nước cũng kiểm tra và lập 535 biên bản vi phạm chất lượng dịch vụ xe buýt.

Hoạt động kiểm tra giám sát chuyến lượt được thông qua công nghệ thiết bị giám sát hành trình (GPS) nên đỡ mất sức người, hệ thống kiểm soát của công ty mới được 10% lượt xe nhưng số lượng biên bản vi phạm lập nhiều chứng tỏ chất lượng dịch vụ xe buýt đang có vấn đề.

- Số lượng hành khách đi quá đông giờ cao điểm dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy. Vậy công ty sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Lượng hành khách đi xe quá đông trong giờ cao điểm (quá tải vượt 200%), ùn tắc giao thông cũng làm cho thời gian chuyến đi của hành khách tăng lên do tốc độ lưu thông xe buýt giảm và thời gian chờ đợi lâu làm giảm chất lượng dịch vụ.

Mỗi tháng có khoảng hơn 200.000 người mua vé tháng, đây là lực lượng thường xuyên đi xe trong khi công ty có 1.000 xe, tính ra bình quân có 200 người/xe. Giờ cao điểm trong vòng 2 tiếng với 60 phút/lượt xe tính ra mỗi xe chạy được hai lượt thì sẽ không thể giảm tải được.

Theo tôi giải pháp tương đối bền vững thì nên kéo dài giờ cao điểm thành 3 tiếng đồng thời phải có làn đường dành riêng cho xe buýt để nâng cao tốc độ lưu thông và khả năng quay đầu xe. Ngoài ra cũng cần tăng thêm xe buýt nhanh, bỏ bớt các điểm dừng đỗ.

Hiện nay, năng lực của xe buýt đã tới giới hạn, Thành phố cần sớm đưa phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như Metro, đường sắt trên cao… vào hoạt động để kết nối với xe buýt

- Nếu phương án lệch giờ được Chính phủ thông qua và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/12 thì liệu Transerco có đảm bảo được khả năng cung ứng vận tải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Nếu phương án lệch giờ được Chính phủ thông qua và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/12 thì Transerco sẽ không kịp điều chuyển và phân bố đủ lượng xe buýt phục vụ hành khách.

Công ty phải tăng thêm 60 xe buýt để đáp ứng yêu cầu việc đổi giờ học, giờ làm, chúng tôi sợ không đủ thời gian chuẩn bị. Vì vậy, khi việc điều chỉnh giờ bắt đầu, công ty sẽ bổ sung các xe đang trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ mà vẫn chưa xong để đưa vào sử dụng nhưng sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ của xe buýt.

- Thành phố hàng năm vẫn bù lỗ và trợ giá vé cho xe buýt. Vậy, nếu không bù lỗ và trợ giá, xe buýt liệu có hoạt động được?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Xe buýt hoạt động trên thế giới tất cả đều phải bù lỗ. Khi không bù lỗ thì vẫn sẽ hoạt động được nhưng điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá vé mà nhà nước không kiểm soát.

Với giá vé thấp như thời điểm này Nhà nước kiểm soát giá để thu hút người dân đi xe buýt. Hà Nội là một trong những địa phương có giá vé thấp, khung trợ giá vé tuyến Transerco quản lý thấp hơn các tuyến buýt kế cận.

- Xin cảm ơn ông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục