Đối thoại thực hành trách nhiệm xã hội ngành thủy sản ở Đông Nam Á

Hội nghị đối thoại 3 bên về thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Đông Nam Á là cơ hội để các đại biểu trong nước và khu vực chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm để giúp nâng tầm nghề.
Đối thoại thực hành trách nhiệm xã hội ngành thủy sản ở Đông Nam Á ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Ngày 26/12, Hiệp Hội Cá ngừ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức hội nghị đối thoại, chia sẻ khu vực Đông Nam Á về thực hành tốt trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản.

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp thu mua chế biến cá ngừ, ngư dân Khánh Hòa và các báo cáo viên online trong khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đình Giáp, Chủ tịch Hội Cá ngừ Việt Nam cho biết trong những năm gần đây thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á nói chung. Ngành này không chỉ đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia thành viên mà là ngành kinh tế còn tác động lớn đến số lượng lớn lao động.

Trong năm qua, riêng sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng Tám năm nay, việc minh bạch, công khai, đảm bảo tính bền vững trong chuỗi liên kết, sảm xuất thủy sản đã được chú trọng hơn, sản phẩm thủy sản có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

"Do đó, hội nghị đối thoại 3 bên về thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Đông Nam Á chính là một cơ hội để các đại biểu trong nước và khu vực chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm, từ đó giúp nâng tầm nghề, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân," ông Vũ Đình Giáp nói.

[Hiệp định EVFTA: Cơ hội lớn cho ngành chế biến cá ngừ tỉnh Khánh Hòa]

Anh Nguyễn Hữu Huy Hoàng, Hiệp Hội Cá ngừ Việt Nam chia sẻ báo cáo về tình hình khảo sát tại 5 tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu và Kiên Giang về các vấn đề liên quan trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghề cá.

Theo anh Nguyễn Hữu Huy Hoàng, phần lớn số lao động trong nghề kinh nghiệm lao động rất thấp, dưới 5 năm chiếm số lượng khá lớn. Thời gian làm việc tùy theo đối tượng mà có sự phân bố, nghỉ ngơi khác nhau. Vất vả nhất là đối tượng ngư dân lao động trên biển, họ làm việc không phân biệt ngày/đêm; làm thêm giờ không được tính tiền do đã khoán theo tiền công.

Anh Nguyễn Hữu Huy Hoàng đưa ra giải pháp cần phải thực hiện thay đổi, điều chỉnh công tác quản lý lao động trên biển. Bởi, vẫn còn nhiều điểm vướng mắc như: người lao động không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, tiền lương chưa tương xứng với thời gian làm việc.

Để làm được điều này các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chế biến thủy sản và ngư dân, dịch vụ hậu cần nghề cá cần có giải pháp để xây dựng các khung pháp lý, văn bản hướng dẫn về trách nhiệm xã hội trong nghề cá; nâng cao năng lực cho đội ngũ các bộ quản lý nghề cá tại địa phương, tăng cường tuyên truyền và tổ chức các chương trình thực hành trách nhiệm xã hội gắn kết theo chuỗi sản xuất thủy sản...

Nhóm tác giả đến từ Đại học Đà Nẵng cũng thông tin về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình giới tính trong hoạt động thu mua chuỗi giá trị cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, mà cụ thể là tại Bình Định.

Chị Nguyễn Đặng Hoàng Thu, đại diện nhóm cho biết đối với nghề buôn bán cá ngừ vằn, tiền công được trả ngang nhau giữa nam và nữ, riêng với cá ngừ vây vàng, nam giới sẽ được nhận lương cao hơn nữ. Trong các trường hợp phụ nữ làm nghề thu mua thủy sản mang thai, sinh con được đối xử như những người khác, không có thêm chế độ ưu tiên. Thậm chí, trong thời gian cao điểm thu mua cá ngừ, nữ lao động sẽ có thời gian làm việc lên đến 16 giờ/ngày và họ có rất ít thời gian để chăm sóc con cái, gia đình...

Đối thoại thực hành trách nhiệm xã hội ngành thủy sản ở Đông Nam Á ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chị Thu khẳng định những hạn chế của các tác nhân thu mua cá ngừ, đặc biệt là nữ chủ vựa cá và nữ thương nhân đã làm giảm tiếng nói quyết định của họ trong các tổ chức thủy sản và dự án cộng đồng. Do đó, nhóm nghiên cứu đề nghị cần bình đẳng và trao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ khi tham gia làm nghề cá.

Báo cáo viên Dr. Toe Nandar Tin, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động nghề cá Myanmar chia sẻ trực tuyến tại hội nghị cho biết ở Myanmar ngành khai thác thủy sản là sinh kế truyền thống ở vùng nội địa và ven biển.

Hiện nay, các kỹ thuật đánh bắt truyền thống đã được thay đổi sang phương pháp không bền vững hiện đại làm tác động đến môi trường và thách thức sinh kế nặng nề đối với cả người nông dân nông thôn và ven biển, nội địa.

Tại Myanmar các thực trạng trách nhiệm xã hội cũng còn nhiều hạn chế, hợp đồng lao đồng dựa trên yếu tố sức khỏe, thiếu nhà vệ sinh, nước ngọt hạn chế, các tổ chức nghề nghiệp xã hội về nghề cá rất ít. Riêng đối với tranh chấp lao động, họ không gặp vấn đề nào lớn vì chế biến được thực hiện trong các trang trại và nhà máy, nơi có trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người dân rất cao.

Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu cũng thảo luận thêm nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam ở khu vực tư nhân và các tổ chức dân sự xã hội; đồng thời đối thoại nhiều bên để tìm ra các chính sách phù hợp phát triển thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Đông Nam Á trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục