Đổi tiền mới lì xì, đi lễ chùa ngày Tết: Kẻ khóc – người cười

Cứ đến dịp Tết, chuyện nhà nhà, người người đua nhau đi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết đã trở thành một "quy luật" và những câu chuyện cười ra nước mắt của người dân đi đổi tiền.
Đổi tiền mới lì xì, đi lễ chùa ngày Tết: Kẻ khóc – người cười ảnh 1Hầu hết các sạp bán đồ lễ tại các đình, chùa đều có hòm đổi tiền mệnh giá nhỏ. (Ảnh: Thi Uyên/Vietnam+)

Cứ đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt xình xịch" do nhu cầu đổi tiền mới để lì xì con trẻ và đi lễ chùa trong ngày đầu năm. Chuyện nhà nhà, người người đua nhau đi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết đã trở thành một "quy luật."

Năm nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không in mới các loại tiền mệnh giá nhỏ nhưng lượng tiền lẻ tại các chợ đen tại các đình, chùa vẫn rất dồi dào. Đi cùng đó là sự khó khăn, chật vật và những câu chuyện cười ra nước mắt của người dân đi đổi tiền.

Mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng “chát”

Trên thị trường, người mua đang săn lùng các loại tiền lẻ mệnh giá từ 500 đồng đến 10.000 đồng. Các đầu mối đổi tiền thường nằm tại các khu chợ đen ở Cầu Giấy, "phố đô la” Hà Trung… hoặc tập trung xung quanh các đình, chùa lớn như chùa Trấn Quốc, chùa Hà, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ… Các điểm đổi tiền không công khai nhưng khách muốn đổi bao nhiêu cũng có.

Bà H. - một bà chủ ki ốt bán đồ lễ ở phủ Tây Hồ (Hà Nội) cam kết: "Em muốn bao nhiêu chị có đổi cho em bấy nhiêu, cả vài chục triệu cũng có. Tuy nhiên phí thì cao đấy em ạ.”

Theo khảo sát giá, khách muốn đổi tiền 500 đồng phải mất 50% phí, lần lượt với 1.000 đồng mất 40%, 5.000 đồng là 17% và 10.000 đồng là 15%.

Càng giáp Tết phí đổi tiền càng tăng mạnh. Phí đổi tiền cũng không cố định mà biến động theo từng ngày và từng… địa điểm! “Mai đổi thì mai ra hỏi, chứ cứ mỗi ngày là một giá!” – ông T. ở phố Chùa Hà thẳng thừng đáp khi phóng viên VietnamPlus tỏ ý muốn sang tuần sau mới đổi tiền.

Không chỉ vậy, phí đổi còn lên xuống qua từng sạp hàng. Chị Nguyễn Thị Nhung (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Lúc đổi tiền thì phải đi tham khảo cho cẩn thận vì mỗi nơi hét một giá. Năm ngoái tôi vừa đổi ít tiền để lì xì trong phủ Tây Hồ với giá mười ăn tám, thì đi ngay sang sạp bên cạnh phí xuống còn có mười ăn chín.”

Đổi tiền mới lì xì, đi lễ chùa ngày Tết: Kẻ khóc – người cười ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Thi Uyên)

Bi hài chuyện đổi tiền ngày Tết

Phong bao lì xì là một trong những điều đặc trưng trong ngày Tết nhưng làm sao xoay cho đủ tiền lẻ để bỏ vào phong bao lại là một chuyện đau đầu cho nhiều người.

“Cuối năm ngoái, tôi không kịp đổi tiền lẻ để lì xì, thế là năm mới cứ phải 'vay nóng' tiền mừng tuổi của con gái, nhiều lúc không có đành phải mừng tiền to,” chị Nguyễn Lan Hương (Tây Hồ, Hà Nội) vừa cười vừa kể.

Cũng có rất nhiều cách “chống chọi” khác nhau trong “cơn bão” đổi tiền lẻ. Cô Trần Ngọc Hảo ở Hoàng Mai giơ bọc tiền lẻ đã kẹp riêng từ trước: “Rút kinh nghiệm từ mấy năm vừa rồi, năm nay tôi gom tiền lẻ từ cả tháng trước Tết. Đồng 10.000 – 20.000 là nhất quyết không tiêu. Ai hỏi cũng không đổi. Vì đổi ở ngân hàng khó lắm, đổi ở ngoài thì đắt. Mà đồng tiền mình kiếm ra có dễ dàng tí nào đâu.”

Còn anh Phạm Hiếu Nghĩa (Ba Đình, Hà Nội) lại rơi vào tình thế khó xử cũng chỉ vì chuyện đổi tiền lẻ: “Do có người nhà làm ở ngân hàng nên Tết năm nào mấy chị em trong cơ quan cũng nhờ tôi đổi tiền mà không mất phí. Nhưng năm nay ngân hàng không có nhiều tiền lẻ, tôi đổi cũng chỉ đủ cho nhà dùng. Các chị cứ giận dỗi rồi nói lên nói xuống mãi nhưng tôi chịu, đến cơ quan thấy mình như mắc nợ!”

Cùng cảnh ngộ như anh Nghĩa, chị Nguyễn Thị Mai là nhân viên Ngân hàng Quân đội, dù không có nhu cầu nhiều về tiền lẻ, tiền mới nhưng bao giờ cũng trong tình trạng "khát" tiền vì những người xung quanh nhờ đổi hộ.

"Cả ngày chuông điện thoại kêu liên tục của người quen gọi để nhờ đổi tiền mới mệnh giá càng nhỏ càng tốt. Thực sự đến những ngày Tết là tôi bị áp lực ghê gớm, công việc chuyên môn đã bù đầu, nay lại phải nhờ cậy chỗ nọ, chỗ kia để đổi," chị Mai than thở.

Không chỉ “khổ sở” vì nhiều người nhờ đổi tiền mà nhiều người còn bị mất tiền vì tính nhầm, đưa nhầm. Chị Nguyễn Thùy Linh (Nguyễn Chí Thanh-Hà Nội) vừa bị mất 5 triệu đồng vì đưa nhầm tệp 10.000 đồng.

Chị Linh buồn buồn kể, do có quen biết với một số ngân hàng nên nhiều người nhờ đổi hộ. Năm nay chị ôm một số tiền lớn đi đổi lấy tiền từ 10.000-50.000 đồng. Đứng xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới được nộp tiền. Chiều cùng ngày, chị Linh đi lấy tiền về chia cho mọi người, lúc kiểm đếm lại thấy thiếu 5 tệp 10.000 nghìn đồng mà không biết lý do vì sao.

Tuy nhiên, cũng có người chọn cách vẫn lì xì bằng tiền đã qua sử dụng vì thấy tự nhiên mất thời gian đi đổi tiền, lại còn bị hao hụt, rồi có khi lại mang thêm bực vào mình.

Bà Vân ở Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội cho biết, trước kia mỗi khi đi lễ chùa bà thường đổi nhiều tiền lẻ và đặt đủ các cung, ban. Nhưng gần đây, thấy việc dải tiền lẻ ở nhiều nơi gây tốn kém và mất công của nhiều người nên bà đã bỏ thói quen này, giờ bà chỉ mua lễ và đặt tiền ở ban thờ chính.

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền mới, mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán và chủ trương này cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Vẫn như mọi năm, tiền mới dưới 5.000 đồng nguyên seri sẽ không được đưa ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Dự kiến cơ quan này sẽ tiết giảm được gần 400 tỷ đồng chi phí phát hành tiền. Từ năm 2013 đến nay, với chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ mới vào lưu thông dịp Tết, tổng chi phí phát hành tiết giảm được khoảng 1.900 tỷ đồng.

Theo ông Thành, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục