Đơn hàng tích cực từ quý 3 và 4: Ngành dệt may kỳ vọng tăng trưởng từ 8-10%

Năm 2024, đơn hàng ngành may không quá khó khăn, đa phần các doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 9, 10 và được ký dài hơn. Tuy vậy, về giá vẫn bị tác động từ năm 2022-2023, trong đó nhiều mã giảm sâu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng dài hạn đến quý 4. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng dài hạn đến quý 4. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Năm 2024 tiếp tục là năm có nhiều diễn biến, phức tạp, khó lường, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị-kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy vậy, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may thu về khoảng 16,28 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt Việt Nam (Vinatex) nhận định, bức tranh dệt may năm 2024 có nhiều triển vọng tươi sáng hơn năm 2023, trong đó nổi bật là toàn bộ lao động trong tập đoàn vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023. Đây là điều rất vui mừng vì khi có thị trường, doanh nghiệp lập tức có lực lượng để sản xuất, giữ chân khách hàng.

- Xin ông cho biết những điểm nổi bật của ngành dệt may trong những tháng đầu năm 2024?

Ông Cao Hữu Hiếu: Năm 2023 lần đầu tiên sau 30 năm ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm 11,3%, đạt 39,6 tỷ USD. Vinatex cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của xu thế chung. Bước sang đầu năm 2024 thị trường khởi sắc hơn. Theo đó, ngành may, so với cùng kỳ năm 2023 tích cực hơn đơn hàng tích cực hơn, số đơn hàng nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn nhưng giá chưa tăng.

Sau năm 2023 các nhà cung cấp đã thiết lập bằng giá mới phải làm theo nhưng trong điều kiện khó khăn, đây là vẫn khởi sắc rất tốt. Hiện, đa phần công ty may của Vinatex có đủ đơn hàng đến tháng 9-10 và đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo, trong khi ngành sợi về giá trị tuyệt đối, 6 tháng ngành có nhiều khởi sắc nhưng hiệu quả chưa có. Có nghĩa, so với cùng kỳ lỗ giảm đi 70-80% những vẫn lỗ.

- Với những kết quả trên, cùng với các kết quả kinh tế-xã hội mới được công bố, ông nhận định thế nào về ngành dệt may những tháng cuối năm 2024?

Ông Cao Hữu Hiếu: Năm 2024, đối với ngành may, đơn hàng không quá khó như năm trước, đơn hàng có đủ đến tháng 9, 10 và được ký dài hơn. Tuy vậy, về giá do năm 2023, 2022 ngành dệt may gặp khó khăn, do nhiều yếu tố, trong đó giá giảm sâu tới 20%, thậm chí có mã hàng giảm 50% so với thời điểm trước đó. Có những doanh nghiệp vài nghìn lao động nhưng đơn hàng vài nghìn chiếc cũng phải nhận do đơn hàng quá khó.

Thực tế, năm 2023, 2022 thiết lập mặt hàng giá mới và phải chấp nhận nhưng không phải buộc chấp nhận lỗ mà trên cơ sở giá doanh nghiệp phải quản trị tốt để có thể tăng năng suất, để tiết kiệm chi phí và từ đó có hiệu quả cao nhất.

- Những yếu tố mới về kinh tế-xã hội có thể tác động như thế nào đến ngành dệt may những tháng cuối năm, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Đơn hàng đàm phán cho quý 4/2024 chủ yếu doanh nghiệp muốn nâng giá. Dù vậy, có thế thấy những tháng cuối năm có nhiều yếu tố tác động tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đơn cử, từ 1/7 tăng lương tối thiểu, chi phí logistics từ cuối quý 4/2023 đến 6 tháng năm 2024 liên tục tăng, xung đột Biển Đỏ khiến bông nhập khẩu bị trễ tuy không thường xuyên nhưng đã có.

IMG_5916.JPG
Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường để sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vì vậy, để dự báo những tháng cuối năm 2024 là rất khó, bởi diễn biến thị trường rất nhanh, đặc biệt là xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, dựa trên những kết quả đã có, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt mong muốn là tăng 8-10% so với năm 2023.

Có thể thấy, thông thường các đơn hàng dệt may về nhiều bắt đầu từ quý 3,4. Với Vinatex, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu tăng 5%, đây là tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất-kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng.

- Mới đây, Vinatex đã hợp tác với tập đoàn Coacho để sản xuất vải chống cháy, vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả kinh doanh của sản phẩm mới này đối với Vinatex?

Ông Cao Hữu Hiếu: 6 tháng, tập đoàn triển khai được hợp tác với Tập đoàn Coach của Anh về sản xuất vải chống cháy, tháng 7 sẽ có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ. Đây là chiến lược đầu tiên của tập đoàn đi vào phân khúc sản phẩm hẹp và đặc thù là vải chậm bắt cháy và chống cháy. Sản phẩm có nhu cầu lớn, nhưng yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Tiếp tục nghiên cứu quần áo đặc thù cho lực lượng cứu hộ, cứu hoả. Chương trình này lớn, dài hạn đòi hỏi đầu tư rất lớn

Tháng 7, Vinatex đưa vào Trung tâm phát triển sản phẩm mới của tập đoàn. Đây là Trung tâm được đầu tư hiện đại, bài bản. Định hướng của trung tâm là chuyên làm hàng FOB (chủ động nguyên liệu, sản xuất sản phẩm), hướng đến trọng tâm phát triển chuỗi chiến lược dệt kim đã định hình trong giai đoạn đến 2025.

Hiện nay, Vinatex đã có đủ cả sợi, dệt nhuộm, may. Đặc biệt khâu thiết kế mang thương hiệu của Việt Nam, nhằm bán trọn gói cho khách hàng từ thiết kế đến nguyên liệu và sản xuất chưa làm được. Trung tâm này được đầu tư trong năm 2023 và tháng 7 sẽ đi vào vận hành đây là điểm nhấn trong sản xuất-kinh doanh của Vinatex./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục