Đón Tết Độc lập trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người dân Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nói vui rằng người Lệ Thủy đón Tết Nguyên đán tính bằng ngày hay tuần nhưng riêng Tết Độc lập phải tính bằng tháng.
Đón Tết Độc lập trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc Lập trên dòng sông Kiến Giang. (Nguồn: TTXVN)

Tết Độc lập nói chung và Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nói riêng là nét đẹp văn hóa độc đáo mà người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.

Nơi ăn Tết Độc lập "to nhất nước”

Huyện Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - gọi Lễ Quốc khánh 2/9 là Tết Độc lập. Người dân ở đây tự hào mỗi năm quê mình có đến hai cái Tết là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập.

Nếu Tết Nguyên đán là dịp để chia tay năm cũ, chào đón năm mới với bao điều hy vọng thì với người dân nơi đây, Tết Độc lập là dịp để con em cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ công lao của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hy sinh để giành độc lập cho dân tộc.

Đây cũng là dịp để mỗi người dân Lệ Thủy ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn," phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp.

Trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại sản vật địa phương để cúng ông bà tổ tiên. Cũng từ đó, những câu ca “Dù ai đi Tây về Đông/Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay” in đậm trong trái tim mỗi người con xứ Lệ, đặc biệt là những người con xa quê.

Người dân nói vui rằng người Lệ Thủy đón Tết Nguyên đán tính bằng ngày hay tuần nhưng Tết Độc lập phải tính bằng tháng. Ngay từ đầu tháng Tám, khi dưới sông có tiếng gõ mõ của các thuyền thì bầu không khí lễ hội đã bắt đầu bao trùm.

[Infographics] Bốn ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh năm 2023

Tết Độc lập ở huyện Lệ Thủy sôi động hơn với hội thi bóng chuyền, bóng đá giữa các xã, nghe hò khoan, đi hội chợ và đặc biệt là trông ngóng từng ngày, từng giờ để xem các thuyền bơi đua tranh nhau so tài dưới sông Kiến Giang.

Hoạt động nổi bật trong ngày Tết Độc lập ở Lệ Thủy chính là Lễ hội Bơi, Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Lễ hội được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là Lễ hội Văn hóa-Thể thao cấp tỉnh từ năm 2003 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2019. Đây cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Lệ Thủy mỗi dịp Quốc khánh.

Nét độc đáo của Lễ hội Đua thuyền Lệ Thủy

Sông Kiến Giang là một trong hai phụ lưu lớn của sông Nhật Lệ, dài khoảng 58km. Với việc có gần 30 xã, thị trấn, khoảng một nửa số này nằm bên sông, Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang năm nào cũng có sự tham gia của đông đảo thuyền bơi.

Nhiều người lớn tuổi kể lại Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang có từ xa xưa, xuất phát từ hội bơi, đua của dân làng với mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội cũng là dịp để thi thố sức trai, sức gái, sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.

Ngày 2/9/1946, kỷ niệm một năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền mừng Tết Ðộc lập. Từ đó đến nay, cứ 2/9, Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và trở thành nét đẹp văn hóa đáng tự hào của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người chuyên viết sử làng Quy Hậu, năm nay đã 83 tuổi (làng Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) kể rằng ngày xưa, mỗi lần chuẩn bị cho lễ hội, người dân trong làng thường lên rừng tìm kiếm những cây gỗ lớn về để làm thuyền.

Đón Tết Độc lập trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2Tưng bừng Lễ hội Đua thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

“Ngày đó thuyền bơi do thợ làng đóng, trai làng bơi, ai có gì góp đó, mỗi người mỗi ít để tham gia lễ hội," ông Dũng chia sẻ. Từ đầu tháng Tám, khi các thuyền bơi bắt đầu tập luyện thì với người dân nơi đây, mỗi ngày trôi qua đều là lễ hội.

Ở Lệ Thủy, thuyền bơi được đóng bằng gỗ, có quy định chung nhưng mẹo mực trong cách đóng thuyền của mỗi làng mỗi khác, không ai giống ai. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn và thành bại của mỗi đội đua. Một chiếc thuyền được tạo nên từ nhiều yếu tố, từ việc đóng thuyền bơi, chọn thợ đóng thuyền, chọn trai bơi cho đến việc tập luyện với các bài bơi khác nhau đã cho thấy tầm quan trọng và quy mô của lễ hội đua thuyền nơi đây.

Trai bơi phải là những người vừa khỏe mạnh, vừa dai sức để có thể “chiến” được đường trường bởi thông thường cự ly bơi khoảng 24km.

Là một trong những trai bơi lâu năm của làng Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy), anh Nguyễn Văn Thắng cho biết bơi đua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau nên rất khó đoán trước được kết quả. Nhưng đã là trai bơi của làng, một khi lên đò bơi, tay cầm mái chèo thì luôn quyết tâm, làm hết sức mình để mang vinh quang về cho làng.

Kinh phí tham gia lễ hội thường được người dân trong làng, xã cùng nhau quyên góp. Từ việc đóng thuyền cho đến bữa cơm của trai bơi, gái đua đều đến từ tấm lòng và sự đoàn kết của bà con xóm làng.

Một nét độc đáo của đua thuyền Lệ Thủy là không chỉ có các vận động viên mà trên khắp các con đường ở hai bên bờ sông Kiến Giang, các cổ động viên cũng “đua cạn” để theo kịp và cổ vũ tinh thần cho thuyền bơi của làng mình.

Tiếng cổ vũ của các cổ động viên như hòa cùng nhịp với tiếng mõ là nguồn động lực thúc đẩy các vận động viên gắng sức nước rút, giành giật từng mét trên sông Kiến Giang. Thuyền bơi mỗi khi đi qua địa phận của làng, xã mình thì đều như gắng sức hơn, nhiều trai bơi còn hưng phấn đứng cả lên để bơi cho nhanh hơn.

Mặc dù đua nhau từng chút một nhưng tất cả các thuyền bơi đều được người xem hai bên bờ sông cổ vũ nhiệt thành. Đây cũng là nét đẹp văn hóa làm nên tính cách nhân văn và trọng võ của người Lệ Thủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục