Đóng cửa lãnh sự quán sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Trung về đâu?

Sức ảnh hưởng của sự kiện này sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ lý giải ra sao về quyết định này và liệu Bắc Kinh sẽ trả đũa ở mức tương đương hay căng thẳng giữa hai bên sẽ còn bị đẩy lên nữa.
Đóng cửa lãnh sự quán sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Trung về đâu? ảnh 1Cảnh sát gác tại lối vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc sáng 27/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định của Washington nhằm đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã bộc lộ một điểm xung đột mới trong quan hệ Mỹ-Trung.

Thế nhưng, sức ảnh hưởng của sự kiện này sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ lý giải ra sao về quyết định này và liệu Bắc Kinh sẽ trả đũa ở mức tương đương hay căng thẳng giữa hai bên sẽ còn bị đẩy lên nữa.

Dưới đây là bài phân tích của Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, trong bài viết "Đóng cửa lãnh sự quán, căng thẳng Mỹ- Trung sẽ bị đẩy lên tới đâu?"

Ngày 21/7 (giờ địa phương) chính quyền Mỹ đã buộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas phải đóng cửa trong vòng 72h. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lãnh sự quán này đã vi phạm nhiều lần chủ quyền của nước Mỹ bằng việc tiến hành các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng tại đây. 

Động cơ của Mỹ 

Nhiều chi tiết mới nổi lên cho thấy quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự lần này khác hẳn với kiểu của Nhà Trắng vẫn làm là gây sức ép với Trung Quốc nhưng sẽ tạm dừng nếu thấy có nguy cơ phá hỏng Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa hai nước.

Nếu Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc để đối phó với mối đe dọa an ninh tức thời thì điều đó cho thấy chính quyền nước này đang chọn hướng giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc một cách tính toán hơn trong những tháng gần đây. 

[Trung Quốc phản đối Mỹ xâm nhập Tổng lãnh sự quán ở Houston]

Tuy nhiên, nếu bước đi của Washington không phải vì liên quan tới những hoạt động thật sự nghiêm trọng tại cơ quan lãnh sự này thì điều đó cho thấy Nhà Trắng bắt đầu tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. 

Trước đó, vào ngày 14/7, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Tự trị Hong Kong, mở đường cho việc sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong. Nhưng kể từ lúc đó tới nay, nhiều thông tin rò rỉ từ phía Mỹ cho thấy Nhà Trắng còn miễn cưỡng chưa hẳn muốn xuống tay áp các lệnh trừng phạt vì vẫn còn muốn giữ thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Chính quyền của ông Trump cũng trì hoãn kế hoạch kiểm soát đồng đô la Hong Kong (HKD) bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận thương mại và các lợi ích kinh tế khác của nước Mỹ. 

Ngay cả trong lần đầu tiên Mỹ bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này cũng cẩn trọng tránh vượt qua "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc.

Tuyên bố về lập trường của Mỹ do Bộ Ngoại giao nước này đưa ra hôm 13/7 mặc dù có thể nói là một quyết định thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng vẫn không hề bộc lộ cho thấy các động thái về quân sự của Mỹ hay chính thức công nhận những đòi hỏi về chủ quyền của các nước hiện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. 

Trước đó nữa, Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào một loạt các hành động trả đũa nhau nhằm vào giới báo chí của cả hai nước trong mấy tháng vừa qua.

Hồi tháng Năm, Washington đã áp đặt một số hạn chế đối với các cơ quan báo chí của Chính phủ Trung Quốc khiến Trung Quốc lập tức có động thái tương tự với các hãng báo chí Mỹ. Tuy nhiên, cả hai bên đã rất cẩn trọng tránh đẩy căng thẳng lên cao hơn.

Trung Quốc sẽ trả đũa như thế nào?

Trung Quốc có môt số lựa chọn trong việc trả đũa Mỹ; có thể Bắc Kinh sẽ áp dụng biện pháp tương tự với các phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc hoặc thậm chí tiến hành các hành động gia tăng căng thẳng hơn và hiếu chiến hơn buộc Mỹ phải có những bước đi tiếp theo. 

Đóng cửa lãnh sự quán sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Trung về đâu? ảnh 2Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ ngày 22/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Washington vi phạm thỏa thuận lãnh sự song phương của hai nước, cũng như gây khó dễ cho các cán bộ, nhân viên ngoại giao và sinh viên Trung Quốc tại Mỹ.

Bộ này cũng cho biết phía Mỹ đã áp đặt hạn chế tới hai lần trong năm qua đối với các cán bộ, nhân viên ngoại giao và hành lý ngoại giao của Trung Quốc mà không hề xin phép, thậm chí còn tịch thu luôn đồ của họ.

Hiện có nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc đóng cửa lãnh sự quán của Mỹ ở Vũ Hán để trả đũa, mặc dù việc đóng cửa lãnh sự của Mỹ tại khu vực Hong Kong- Macau (trụ sở ở Hong Kong) nhận được nhiều số phiếu ủng hộ nhất của người dân Trung Quốc trong cuộc trưng cầu ý dân do tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tiến hành vào ngày 22/7 vừa qua.

Tuy nhiên, trong lúc căng thẳng đang dâng cao xung quanh đạo luật an ninh Hong Kong đầy tranh cãi của Bắc Kinh, nếu bất kỳ lãnh sự quán nào ở Hong Kong bị nhắm tới để đóng cửa thì chắc chắn sẽ gây ra các hành động trả đũa và có thể đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao hơn nữa, thậm chí chấm dứt luôn Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 vừa ký đùa năm nay. 

Và trước nguy cơ có thể bị Mỹ ra đòn trả đũa nặng hơn nữa, Trung Quốc sẽ phải đưa ra giải pháp ứng phó với những tính toán cẩn trọng hơn. Dưới đây là ba kịch bản phía Trung Quốc có thể đưa ra trong bài phân tích của Stratfor.

Kich bản nhẹ nhàng nhất trong cuộc chiến ngày càng leo thang này là phía Trung Quốc đóng cửa lãnh sự Mỹ ở Vũ Hán hoặc Thành Đô, bởi cả hai lãnh sự này đều có tầm quan trọng đối với Washington tương đương tầm quan trọng của Tổng lãnh sự quán Houston đối với Bắc Kinh. 

Kịch bản ở mức vừa phải sẽ bao gồm đóng cửa lãnh sự Mỹ ở thành phố Thẩm Dương để làm Mỹ khó tiếp cận với Triều Tiên hơn, hoặc hạn chế số cán bộ nhân viên ngoại giao Mỹ được trở lại Trung Quốc sau khi đã trở về nước vì đại dịch COVID-19 cách đây vài tháng, và cách làm này đỡ lộ liễu hơn là thực thi các biện pháp rào cản mang tính hành chính khác.

Kịch bản căng nhất sẽ là đóng cửa lãnh sự quán của Mỹ ở Thượng Hải hoặc Quảng Châu, vốn là hai lãnh sự rất quan trọng của Mỹ chuyên hỗ trợ các công ty công nghệ và công ty tài chính của Mỹ làm việc tại Trung Quốc. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục