Đồng hành cùng công nhân lao động vượt qua đại dịch COVID-19

Thời điểm này của những năm trước, người lao động cả nước nô nức tham gia các hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Tháng Công nhân, nhưng năm nay tất cả lại đang phải dồn sức chống dịch COVID-19.
Đồng hành cùng công nhân lao động vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tháng Công nhân năm 2021 diễn ra đúng lúc dịch bệnh bùng phát, tấn công vào các khu công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, việc làm, thu nhập và tinh thần của công nhân, người lao động.

Nhiều hoạt động thường niên của tổ chức công đoàn phải tạm hoãn để tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người lao động...

Ở đâu có lao động, ở đó có cán bộ công đoàn

Thời điểm này của những năm trước, người lao động cả nước nô nức tham gia các hoạt động ý nghĩa, thiết thực do Công toàn tổ chức như: phiên chợ công nhân, ngày hội tư vấn, chương trình "Phúc lợi đoàn viên," đối thoại với công nhân...

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể tập trung đông người, công đoàn các cấp đang dành trọn thời gian, tâm sức cho các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống với phương châm "ở đâu có lao động, ở đó có cán bộ công đoàn."

[Kêu gọi doanh nghiệp dành tiền mua vaccine COVID-19 cho công nhân]

Là người trực tiếp tham gia công tác cứu trợ, hằng ngày mang quà vào tận khu cách ly cho công nhân, lao động, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Ngô Đức Thắng cho biết công nhân lao động đang phải cách ly gặp phải muôn vàn khó khăn.

Ông Thắng chia sẻ những ngày qua, cán bộ công đoàn khu công nghiệp gần như không có giờ nghỉ, nhiều hôm phải thức trắng để hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như giúp đỡ công nhân ổn định cuộc sống.

"Thời gian này chúng tôi xác định phải đồng hành cùng công nhân cho dù có khó khăn đến mấy. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của con người với con người trong hoạn nạn," ông Ngô Đức Thắng cho hay.

Hiện Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng công nhân, lao động mắc COVID-19 lớn nhất cả nước và những trường hợp dương tính mới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Có 4 khu công nghiệp của tỉnh buộc phải tạm ngừng hoạt động, khiến gần 165.000 lao động mất việc làm.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, hơn 4.000 công nhân lao động đang cách ly tập trung và trên 30.000 công nhân lao động thực hiện cách ly tại nơi trọ.

Tổ chức công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp cùng chính quyền và lực lượng chức năng nắm bắt tình hình đời sống của người lao động, đề xuất Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động trong thời gian cách ly.

Không chỉ ở Bắc Giang, Công đoàn các tỉnh trên cả nước đều đồng loạt vào cuộc, triển khai các hoạt động thiết thực với mục tiêu bảo vệ tuyệt đối sức khỏe cho người lao động.

Công đoàn các địa phương đã trích kinh phí, kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ người lao động vượt qua khó khăn; hàng trăm tấn gạo và nhu yếu phẩm được quyên góp chuyển vào các khu cách ly với quyết tâm không để công nhân bị đói...

Được ví như những lá chắn thép bảo vệ người lao động, đến chiều 20/5, tất cả công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn COVID-19.

Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho hay, chỉ sau năm ngày triển khai, toàn bộ cán bộ Công đoàn Các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, thần tốc vào cuộc, hướng dẫn đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp thành lập các Tổ an toàn COVID-19.

Hằng ngày, Tổ an toàn COVID-19 tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong Tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc, đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực.

Các tổ cũng thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở hai vòng (cổng doanh nghiệp và trong nhà xưởng); phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của chính quyền địa phương và quy chế của doanh nghiệp.

Hầu hết các Tổ an toàn COVID-19 đều xây dựng các kịch bản ứng phó, không để bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra.

Nhờ đó, đoàn viên, công nhân lao động Hà Nội yên tâm hơn khi vào ca, đoàn kết, đồng lòng cùng tổ chức công đoàn, doanh nghiệp vững vàng trước đại dịch. Hiện đã thành lập trên 6.800 Tổ An toàn COVID- 19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và đang hoạt động rất hiệu quả.

Hỗ trợ, cùng nhau vượt khó

Có thể thấy làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, từ ngày 27/4/2021 đến nay đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã trực tiếp tấn công vào công nhân lao động, nhất là một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn, tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, đã có hơn 1.300 đoàn viên, công nhân lao động dương tính với SARS-CoV-2 và hàng vạn trường hợp F1, hàng chục vạn trường hợp F2 là công nhân, viên chức, lao động.

Trong cuộc họp khẩn trực tuyến với Liên đoàn Lao động các địa phương gần đây, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá đợt dịch này hết sức nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động.

Nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy ban đầu công nhân lao động nghỉ việc với mức lương, thu nhập giảm, nhưng nếu lâu dài sẽ không có tiền trang trải cuộc sống, nguy cơ mất việc và đói nghèo rất cao.

Không chỉ vậy, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến việc học tập của con trẻ, việc chăm sóc gia đình, là vấn đề người lao động rất lo lắng, đáng phải quan tâm.

Đồng hành cùng công nhân lao động vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 2Công nhân tại Công ty TNHH YOKOWO (Hà Nam) Việt Nam thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Trong công văn gửi đến Liên đoàn Lao động các tỉnh, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn cần chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thông tin kịp thời tình hình, diễn biến dịch với công đoàn cấp trên và cơ quan chức năng; thiết lập đường dây nóng và phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới.

Căn cứ tình hình thực tế, các cấp Công đoàn chủ động, dựa vào các quy định hiện hành về tài chính công đoàn để thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, kể cả những nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phải có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động.

Nhằm kịp thời động viên, chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động, thiết thực triển khai Tháng Công nhân năm 2021, ngày 10/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định trích kinh phí  trên 1,5 tỷ đồng để trao 1.550 suất quà thăm hỏi, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly, phong tỏa.

Tiếp đó, ngày 21/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức 4 đoàn công tác tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thăm, trao hỗ trợ (mỗi suất 1 triệu đồng) cho đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các địa phương: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam và Vĩnh Phúc với tổng số tiền 700 triệu đồng.

Gần nhất, ngày 25/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao 3 tỷ đồng tới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị: Bộ Quốc phòng (2 tỷ đồng); Bộ Y tế (500 triệu đồng) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (500 triệu đồng); hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 1,4 tỷ đồng…

Tại các tỉnh, thành phố đang có công nhân lao động dương tính với SARS-CoV-2, tổ chức Công đoàn đã chủ động trích kinh phí mua trang thiết bị phòng, chống dịch; tặng quà, động viên công nhân lao động phải nghỉ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người lao động thuê trọ, người lao động mất hoặc giảm thu nhập…

Đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được các Công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, ngày 26/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo và kiến nghị sử dụng kinh phí từ gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mới đây nhất, chiều 27/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vừa ra lời kêu gọi và đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong toàn quốc mua vaccine để tiêm phòng dịch COVID-19 cho công nhân lao động tại doanh nghiệp, vì sức khỏe của người lao động, vì sự an toàn và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đây là việc làm ý nghĩa, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa doanh nghiệp về trạng thái hoạt động bình thường, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và phục hồi kinh tế khi dịch COVID-19 được khống chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục