Đồng Tháp chưa hoàn thành cầu Gáo Giồng sau nhiều năm xây dựng

Sau khi xây dựng được 2 nhịp, cầu Gáo Giồng thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp “nằm im” suốt hơn 5 năm qua, không tiếp tục thi công để hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đồng Tháp chưa hoàn thành cầu Gáo Giồng sau nhiều năm xây dựng ảnh 1Sau khi xây dựng được 2 nhịp, cầu Gáo Giồng nằm im suốt hơn 5 năm qua. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Cầu Gáo Giồng bắc qua kênh 7 Thước (thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được xây dựng vào năm 2017 với kinh phí dự kiến hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng được 2 nhịp, cầu Gáo Giồng “nằm im” suốt hơn 5 năm qua, không tiếp tục thi công để hoàn thành, đưa vào sử dụng, khiến cho công trình này không phát huy tác dụng, bỏ phí suốt thời gian qua.

Cầu Gáo Giồng đang thi công dở dang nằm song song với cầu Gáo Giồng cũ, cách Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng khoảng 3km.

Nhiều năm qua, ông Đinh Văn Chú ở xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) phải đi qua cầu Gáo Giồng cũ, vào xã Bình Tấn (huyện Thanh Bình) để sản xuất lúa.

Ông Chú cho biết cây cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, thấy bắc cầu Gáo Giồng mới, qua nhiều năm xây dựng lại nhưng cho đến nay cầu vẫn chưa được hoàn thành để đưa vào sử dụng.

[Đồng Tháp: Đường thi công chậm khiến người dân đi lại khó khăn]

Đường đã xây dựng xong và thông thương. Nếu cầu hoàn thành, kết nối đường và đồng bộ sẽ giúp người dân địa phương cũng như xe chở du khách vào Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng lưu thông thuận tiện hơn.

Nhiều người dân đi qua lại khu vực này cũng có thắc mắc như ông Đinh Văn Chú. Từ khi xây dựng xong 2 nhịp cầu đến nay đã nhiều năm nhưng cầu Gáo Giồng không được tiếp tục thi công phần mố cầu, đường dẫn lên 2 bên đầu cầu…

Trong khi đó, máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng cầu này đã đưa đi khỏi công trường từ lâu.

Ông Chú cũng như nhiều người dân rất mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm giải quyết vướng mắc để tiếp tục thi công cho công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Công trình cầu Gáo Giồng thuộc dự án Hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, qua địa bàn các huyện Cao Lãnh, Tam Nông, Tháp Mười và thành phố Cao Lãnh.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.208 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, trong đó hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng do các địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng.

Dự án có tổng chiều dài hơn 33km, trên toàn tuyến, xây dựng mới khoảng 30 cầu bê tông cốt thép, nhiều cống tròn và cống hộp ngang đường.

Dự án Hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã khánh thành, thông xe vào tháng 7/2022.

Tuy nhiên, hiện nay, tại công trình cầu Gáo Giồng (thuộc đoạn nhánh rẽ vào Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng) còn vướng mặt bằng 3 hộ dân phía mố M2 và đường vào cầu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh sớm giải quyết để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Trần Văn Cảnh ở xã Gáo Giồng là 1 trong 3 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để xây dựng cầu Gáo Giồng.

Theo ông Trần Văn Cảnh, diện tích đất của ông bị thu hồi để bắc cầu là hơn 500m2.

Năm 2017, ông đồng ý với số tiền đền bù trên 300 triệu đồng nhưng hơn 5 năm nay vẫn không nhận được số tiền này.

Hiện nay, giá đất ngày càng tăng nên ông Cảnh yêu cầu số tiền đền bù cũng phải tăng lên.

Ông Trần Văn Cảnh cho biết: "Tôi cũng tha thiết mong có cây cầu mới để những người vào Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng khỏi phàn nàn. Xe khách loại lớn không thể chạy qua cây cầu cũ, phải đậu đỗ bên ngoài, khách xuống xe, đi một đoạn mới tới khu du lịch, thấy vậy tôi cũng bứt rứt. Nếu Nhà nước thương lượng với tôi hợp tình, hợp lý thì tôi bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công cầu."

Liên quan đến việc cầu Gáo Giồng xây dựng dở dang, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh, công trình cầu Gáo Giồng gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng đối với 3 hộ dân. Tuy nhiên, phần đất của 3 hộ chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phần đất này nằm trong khu vực Rừng tràm Gáo Giồng nhưng các hộ dân đã đến ở, canh tác hàng chục năm nay.

Đây là vấn đề khá phức tạp nên Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh đã có xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Cầu Gáo Giồng xây dựng dở dang, bỏ hoang trong thời gian qua đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cả dự án Hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Thiết nghĩ để tránh lãng phí, việc giải phóng mặt bằng để cầu Gáo Giồng tiếp tục thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng cần được thực hiện càng sớm càng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục