Dự báo sát mức thu có thể giảm bội chi ngân sách

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu dự báo được sát mức thu ngân sách năm 2009 thì có thể giảm được mức bội chi ngân sách.
Sáng 22/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.

Một số đại biểu đồng quan điểm với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong đánh giá về công tác dự báo và cho rằng chất lượng công tác dự báo và thống kê chưa tốt.

Chỉ trong vòng hơn hai tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện của một số chỉ tiêu quan trọng là quá lớn, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tới 51.690 tỷ đồng, tương đương 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009; mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 là 8,8 tỷ USD, trong khi báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 1,9 tỷ USD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và ảnh hưởng đến các cân đối tổng hợp khác.

Các đại biểu cho rằng nếu dự báo được sát mức thu ngân sách năm 2009 thì có thể giảm được mức bội chi ngân sách năm 2009 và năm 2010.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng hiện nay, công tác quy hoạch tuổi thọ rất ngắn, điều này cho thấy các nhà hoạch định chưa làm tốt nhiệm vụ được giao và rất cần tổng kết công tác quy hoạch.

Đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2009 có nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát cao trong năm 2008 cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội.

Tuy nhiên, bằng việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế và xã hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, kinh tế Việt Nam đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Các đại biểu nhận định trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội có 17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội, 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có hai chỉ tiêu và môi trường có bốn chỉ tiêu. Đáng lưu ý nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ là 50%, thấp hơn năm 2008 (60%).

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá một cách thực chất hơn về một số chỉ tiêu xã hội và môi trường như tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý... làm rõ lý do số liệu báo cáo của các cơ quan nhà nước về cùng một chỉ tiêu còn khác nhau, ví dụ chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo Tổng cục Thống kê là 12,3%, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 11,3%./.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác đề nghị Chính phủ nên tập trung giải quyết khó khăn về vốn, hạ lãi suất, có chính sách xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu, giảm yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp; cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, chú trọng tới đạo đức và chất lượng chuyên môn của cán bộ, công chức; có chính sách, cơ chế đồng bộ, tăng mức đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Hưng Yên) hiện tại, nguồn lực tài chính Việt Nam bị phân tán bởi các chương trình mục tiêu quốc gia không tuân thủ Luật Ngân sách. Trong chương trình mục tiêu quốc gia, bộ nào, ngành nào cũng nắm, đối tượng chồng đối tượng, không phối hợp với nhau dẫn đến đầu tư dàn trải, cần có lời giải cho những năm sau.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng cùng với quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, Chính phủ cần quan tâm hơn các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục...

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam Chính phủ báo cáo Quốc hội mới là chủ trương đầu tư. Đây là nguồn vốn ODA của Nhật Bản và chỉ được vay nếu chúng ta làm đường sắt./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục