Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch

Phải đợi 11 năm, ngành du lịch mới tổ chức được một hội nghị về phát triển du lịch tàu biển. Những thách thức và cơ hội được đặt lên bàn cân để tìm hướng giúp 'trâu chậm' không phải uống nước đục...
Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch ảnh 1Tàu Celebrity Millennium đưa hơn 2.000 hành khách và gần 1.000 thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch đến tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch ở Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Phải đợi đến 11 năm, ngành du lịch Việt Nam mới lại tổ chức được một Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển, tại Quảng Ninh như cuối tuần qua (ngày 16/12).

Và cũng trong chừng đó thời gian, ngành tàu biển Việt Nam đã “từng bước phát triển, nhiều cảng biển được lựa chọn là điểm dừng của các hãng tàu lớn trong hành trình du lịch. Tham gia vào bản đồ du lịch tàu biển trong khu vực, tần suất cập cảng biển Việt Nam của các hãng ngày càng tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng,” theo như nhận định của ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng thường trực Tổng cục Du lịch.

[Việt Nam: Thị trường mới của du thuyền hạng sang thế giới]

Sắp đến thời của du lịch tàu biển?

“Tín hiệu đáng mừng” ấy không có nghĩa hệ thống cảng biển du lịch tàu biển Việt Nam đã có thể sánh với những “ông lớn” của khu vực châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mà thực tế, Việt Nam gần như mới đang ở điểm xuất phát với Cảng khách quốc tế Hạ Long - cảng khách quốc tế chuyên dụng đầu tiên có quy mô hiện đại vừa chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 12 này.

Du lịch tàu biển Việt Nam, nếu xét về mặt tài nguyên và so sánh tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch cũng như mặt bằng chung của khu vực, thì rất nhỏ bé và là một trong những đất nước có ngành du lịch tàu biển chậm phát triển.

Lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển chỉ chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn, từ 2-3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Theo số liệu của Cục Cửa khẩu Bộ đội biên phòng, 11 tháng năm 2018 này chúng ta mới đón hơn 400.000 khách nhập cảnh qua các cửa khẩu biển, và nếu tính cả năm 2018 con số này cũng chỉ đạt khoảng 500.000 lượt khách trên tổng số 15 triệu khách du lịch quốc tế.

Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch ảnh 2Tàu quốc tế ghé cảng Singapore - một trong những cảng biển 'hot' của khu vực châu Á, hồi tháng 6/2017. (Ảnh: Princess Cruises)

“Tốc độ tăng trưởng khách tàu biển của Việt Nam còn rất thấp, thậm chí còn không ổn định, một số năm còn sụt giảm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là kết cấu hạ tầng của nhiều cảng biển còn hạn chế, nhiều nơi đón khách du lịch phải dùng chung với cảng hàng hóa; chất lượng dịch vụ các cảng biển chưa cao; du lịch biển còn thiếu đa dạng; doanh nghiệp du lịch Việt Nam có tàu biển nhưng thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực.”

“Đặc biệt, môi trường xung quanh cảng biển còn nhiều bất cập; một số cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch tàu biển còn lạc hậu tạo ra rào cản cho sự phát triển của du lịch nói chung trong đó có du lịch tàu biển. Thủ tục tại các cảng biển tuy đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn chưa thực sự thuận lợi; nguồn nhân lực phục vụ cho các tàu biển còn hạn chế về trình độ và kỹ năng,” ông Ngô Hoài Chung cho hay.

Tuy xuất phát điểm thấp như vậy, nhưng mới đây chính phủ đã quyết định mở rộng cánh cửa dành cho “mảnh đất” bị bỏ quên này.

Ngày 20/10/2018 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển, phát triển thịnh vượng, bền vững, an ninh và an toàn.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã xác định, phát triển các ngành chuyên dụng có lợi thế về du lịch tàu biển. Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng đưa biển đảo lên ưu tiên hàng đầu trong bốn dòng sản phẩm du lịch chủ lực của du lịch nước nhà. Do đó, phát triển du lịch biển đảo nói chung, du lịch tàu biển nói riêng là một trong những ưu tiên trong định hướng chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam những năm tới đây.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nói về du lịch tàu biển Việt Nam.

Kinh nghiệm từ các “ông lớn”

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội du thuyền quốc tế (Cruise Lines International Association - CLIA), giai đoạn 2013-2018, lượng khách du lịch tàu biển thế giới tăng nhanh, khoảng 24% (từ 21 triệu lượt khách lên khoảng 26 triệu lượt khách). Đặc biệt, số khách tàu biển châu Á tăng nhanh từ 1,5 triệu lượt năm 2013 lên 4,26 triệu lượt trong năm 2018. Châu Á càng được khẳng định là một điểm đến yêu thích của thị trường du lịch tàu biển khi các tàu biển lớn của thế giới đều có mặt tại khu vực này.

Du lịch tàu biển tuy phân khúc không cao nhưng đem lại nguồn thu lớn cho các quốc gia ven biển, trong đó Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành phân tích, do Việt Nam có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến đường hàng hải Bắc Nam; nằm giữa trung tâm tàu biển lớn, trước đây là Singapore, Hongkong, giờ là Thượng Hải và các thị trường lớn như Trung Quốc, Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Từ Bắc đến Nam chúng ta có 7 cảng biển có khả năng đón các hãng tàu quốc tế. Bảy cảng biển này năm nay chúng ta đã đón trên 600 lượt tàu cập cảng, tăng hơn 20% so với năm 2017. Riêng Hạ Long năm nay đón 158 chuyến tàu, cũng tăng nhanh so với khu vực. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch tàu biển trong khu vực còn nhờ những điểm đến văn hóa, di sản được UNESCO công nhận nằm sát với cảng biển…,” ông Phương nói.

Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch ảnh 3Du thuyền Island Princess ở Alaska này cũng đã ghé cảng biển Việt Nam trong năm nay. (Ảnh: Princess Cruises)

Thời gian qua, nhiều tàu biển có khả năng chở khách lớn hàng đầu thế giới đã thường xuyên cập cảng Hòn Gai, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc… của Việt Nam như: Quantum of the seas, Voyages of the Seas, Dream Cruises, Super Star Aquarius…

Nhưng làm thế nào phát huy được lợi thế và tiềm năng biển của Việt Nam để du lịch tàu biển có thể cất cánh, để mức tăng trưởng không chỉ “nhỏ giọt” 2-3% như hiện nay, để du lịch tàu biển Việt Nam phát triển bền vững vẫn là một bài toán cần nhiều thời gian và sự đồng lòng.

Ông James Ngui, Giám đốc Vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của Hãng tàu Royal Caribbean Cruises đánh giá: “Thị trường Việt Nam rất tiềm năng mặc dù vẫn còn chưa hoàn thiện trong việc tiếp đón các tàu với lưu lượng khách lớn hơn 4.000-5.000 khách. Cảng Việt Nam là một phần quan trọng của khu vực Đông Nam Á nên chúng tôi muốn tiếp tục phát triển ở thị trường Việt Nam với những tiềm năng này.”

Và để phát huy những tiềm năng chưa được khai thác, theo ông James Ngui, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm về quy trình thủ tục để thống nhất và thuận tiện hơn từ các quốc gia khác đã có lịch sử phát triển du lịch tàu biển lâu năm trên thế giới.

Đặc biệt, việc hướng dẫn lưu thông trên biển cần thực hiện nghiêm túc, hợp lý để tránh xung đột luồng tuyến và va chạm. Ông James Ngui nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến vô cùng quan trọng, nhất thiết phải có một cảng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, có khả năng đón các du thuyền lớn.

Du lịch tàu biển Việt Nam: 'Trâu chậm' học cách uống nước sạch ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, đại diện Tổ chức hợp tác tàu biển châu Á (ACC), ông Wong Cheuk Hung, cho rằng du lịch tàu biển không thể nào đứng độc lập. Ông Wong nhấn mạnh việc bắt buộc các bên phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Vì thế, muốn loại hình này phát triển lâu dài và bền vững thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các các hãng tàu ở cấp khu vực và quốc tế, xây dựng các hành trình giàu tính kết nối, nhờ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch tàu biển.

Một trong những kinh nghiệm của Tổ chức hợp tác tàu biển châu Á đã và đang làm thường xuyên làm là “tham gia các hội nghị quốc tế nhằm gặp gỡ hàng trăm nhà đầu tư và đối tác tiềm năng để thúc đẩy du lịch tàu biển ở khu vực châu Á; tích cực xây dựng những lộ trình mới, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông lớn…”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục