Du lịch và hàng không: Hợp tác vì lợi ích mỗi bên

Khoảng 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không, do đó, sự hợp tác giữa hai ngành du lịch và hàng không là rất cấp thiết.
Việc nhiều khách du lịch chọn hàng không là phương tiện di chuyển đã tạo điều kiện cho hàng không phát triển nhanh chóng.

Theo thống kê, khoảng 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không, do đó, sự hợp tác giữa hai ngành du lịch và hàng không sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thu hút khách du lịch.

Tìm tiếng nói chung

Có một thực tế, mặc dù được đánh giá có cùng mục tiêu chung nhưng ngành hàng không và ngành du lịch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong hành động để mang lại hiệu quả cao nhất.

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, năm 1999, thỏa thuận hợp tác du lịch-hàng không được ký kết giữa Tổng cục Du lịch và Cục Hàng không.

Thời gian đầu, hai bên đã thực hiện khá hiệu quả việc hợp tác nhưng sau đó thì “chững” lại. Đến năm 2009, hai ngành mới bắt tay nhau thực hiện giảm giá vé trên các tuyến nội địa, quảng bá điểm đến Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm. Đây được coi là “bước ngoặt” trong sự hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vướng mắc trong mối quan hệ hợp tác giữa hai ngành.

Vướng mắc đầu tiên là cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin. Có khá nhiều chương trình khuyến mại, quảng bá được tổ chức, nhưng hai ngành lại chưa thông tin đầy đủ cho nhau, dẫn đến sự phối hợp chưa mang lại hiệu quả.

Ông Vũ Thế Bình dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp lữ hành phàn nàn là không nắm được thông tin về khả năng cung ứng của hàng không, thiếu thông tin về lịch bay cho những kế hoạch dài hạn, bay xa nên không dám chủ động chương trình dài hơi với khách.

Việc quy định đặt chỗ trước 6 tháng, 1 năm trong các chuyến bay nội địa cho các tour quốc tế của Hàng không Việt Nam cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành.

Trong khi đó, đại diện các hãng hàng không cho biết, họ cũng không có thông tin cụ thể về các chương trình khuyến mãi lớn thu hút khách từ các hãng lữ hành. Điều này đã dẫn đến sự thiếu phối hợp nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch thống nhất.

Bất cập tiếp theo được thể hiện trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến chung. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho rằng, hai ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch và khó khăn trong cơ chế giải ngân và đóng góp kinh phí.

Tổng cục Du lịch là cơ quan nhà nước nên phải tuân thủ quy định tài chính hiện hành; trong khi Hàng không Việt Nam là doanh nghiệp nên chủ động về tài chính. Do đó dẫn tới nhiều rắc rối về thanh, quyết toán các khoản chi phí khi tham gia các hội chợ.

Bà Hương dẫn chứng tại một số hội chợ JATA (Nhật Bản 2008 và ITB 2010), trong việc tổ chức đoàn khảo sát, do có sự khác nhau về định mức ăn ở cho khách mời nên hai bên không thể phối hợp đón đoàn khảo sát, báo chí, lữ hành.

Bà Hương đề nghị, Cục Hàng không nên thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về kế hoạch mở thị trường, mở đường bay, tăng tần suất bay của các hãng hàng không; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kết quả nghiên cứu thị trường.

Ngoài cam kết trao đổi thông tin; hàng năm khoảng tháng 10, hai bên cũng nên thống nhất kế hoạch tổ chức các hoạt động chung trước khi phê duyệt. Ngoài ra, ông Vũ Thế Bình cho biết, mặc dù ngành hàng không và du lịch đã có sự liên kết tổ chức tour giảm giá nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không ở Việt Nam đưa ra những điều kiện ngặt nghèo như đặt chỗ sớm, số lượng vé có hạn.

Thực tế, lượng vé khuyến mại này, các hãng hàng không chỉ ưu tiên cho một số công ty du lịch lớn. Hiện Vietnam Airlines (VNA) là doanh nghiệp có thị phần khai thác vận chuyển khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lớn nhất, chiếm trên 40%; với đường bay nội địa, VNA chiếm trên 80%.

Sự xuất hiện của một số hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific Airlines… vẫn chưa tạo chuyển biến biến bởi chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, trong số hơn 800 doanh nghiệp lữ hành, chỉ có hơn 10 doanh nghiệp nhận được sự ưu đãi, giảm giá từ VNA. Những doanh nghiệp nhỏ khó mà chen chân để nhận được sự ưu đãi giảm giá của VNA.

Đại diện Công ty du lịch Vitour tại miền Trung than phiền: “Ngành hàng không chưa có chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút khách du lịch trọn gói.”

Gia tăng lợi ích

“Là ngành kinh tế, hiệu quả cuối cùng là lợi nhuận nên sự hợp tác suy cho cùng cũng hướng tới lợi ích này”, ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch Việt Nam chưa đa dạng, đặc trưng nên lượng khách chưa nhiều, chưa thường xuyên, dẫn tới việc chưa hấp dẫn các hãng hàng không mở đường bay thẳng. Đó là lý do Việt Nam vẫn chỉ là điểm trung chuyển của các chuyến bay kéo dài.

Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, nguyên nhân là do công tác tiếp thị của du lịch Việt Nam còn yếu. Hơn nữa, số lượng khách từ Việt Nam bay trên các chuyến của hàng không nước ngoài không lớn. Đó cũng là lý do mà dù có gần 30 hãng hàng không nước ngoài đặt văn phòng tại Việt Nam nhưng chưa có hãng nào có chương trình hợp tác trực tiếp với Tổng cục Du lịch.

Bên cạnh đó, để duy trì một đường bay thẳng, ngoài những khó khăn về vật chất, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, thì vấn đề hàng đầu là lượng khách.

Thực tế cho thấy, một số tuyến đường bay đã được mở nhưng do không đủ khách để duy trì nên đã phải đóng cửa hoặc tạm ngưng đường bay đó, ví dụ như đường bay Macau-Hải Phòng. “Có khách thôi vẫn chưa đủ để duy trì tuyến đường bay thẳng đó, mà cần phải kết hợp với cả vận chuyển hàng hóa,” ông Nguyễn Phú Đức gợi ý.

Mặt khác, ngành du lịch cần tạo ra các sản phẩm du lịch thật tốt, thật hấp dẫn để khách du lịch quốc tế cũng như trong nước muốn quay trở lại nhiều lần.

Chất lượng dịch vụ tốt cũng như giá cả hợp lý sẽ thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Lúc ấy, chính các hãng vận tải hàng không sẽ phải tự tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, chứ không còn chuyện các hãng lữ hành chầu chực, cầu cạnh các hãng hàng không nữa./.
 Hiện nay, ngoài 3 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, có 44 hãng hàng không nước ngoài thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 54 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng./
(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục