Dư luận quốc tế lên án đảo chính tại Guinea Bissau

Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi lực lượng đảo chính trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện các nhà lãnh đạo chính trị Guinea Bissau.
Một ngày sau cuộc đảo chính quân sự ở Guinea Bissau, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ động thái này.

Trong một tuyên bố ngày 13/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên án nhóm quân nhân chiếm quyền trái với hiến pháp.

Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi lực lượng đảo chính trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện các nhà lãnh đạo chính trị, bảo đảm an ninh và an toàn cho người dân.

[Quân đội Guinea Bissau đã kiểm soát Chính phủ]


Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày cũng lên án cuộc đảo chính ở Guinea Bissau, đồng thời nhấn mạnh phải trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự.

Tuyên bố của hội đồng sau phiên họp nêu rõ các thành viên Hội đồng bảo an "lên án mạnh mẽ một số thành phần trong lực lượng vũ trang sử dụng vũ lực chiếm đoạt quyền lực từ chính phủ hợp pháp của Guinea Bissau."

Hội đồng bảo an yêu cầu trả tự do cho Tổng thống lâm thời Raimundo Pereira, Thủ tướng Carlos Gomes và tất cả các quan chức cấp cao hiện đang bị những binh sỹ đảo chính bắt giữ.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng bảo an "hối thúc tất cả các bên kiềm chế tối đa, không gây bạo lực và bình tĩnh, lập tức khôi phục trật tự hiến định và chính phủ hợp pháp để cho phép hoàn tất tiến trình bầu cử, trong đó có cuộc bầu cử quốc hội."

Trong phản ứng của mình, Nhà Trắng ngày 13/4 lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự trên và kêu gọi khôi phục chính phủ hợp pháp ở Guinea Bissau.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Trung Quốc "quan ngại về ảnh hưởng" của cuộc đảo chính tại Guinea Bissau đối với tình hình chính trị và an ninh tại quốc gia Tây Phi này.

Trong khi đó, các thủ lĩnh vụ đảo chính quân sự ở Guinea Bissau tuyên bố đã phế truất Thủ tướng Gomes, Tổng thống lâm thời Pereira cũng như Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Antonio Indjai.

Người phát ngôn quân đội Guinea Bissau cho biết, hiện Tổng thống Pereira và Thủ tướng Gomes vẫn còn sống và trong tình trạng sức khỏe tốt. Có tin các nhà lãnh đạo này bị bắt giữ và đưa đến một doanh trại quân đội cách thủ đô Bissau 50km.

Theo hãng tin Pháp AFP, các tướng lĩnh quân sự tiến hành đảo chính đã gặp những thủ lĩnh đảng phái, đề nghị họ cân nhắc tham gia một "chính phủ đoàn kết dân tộc," trong đó các tướng lĩnh đảo chính kiểm soát Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Vụ đảo chính tại Guinea Bissau diễn ra tối 12/4, các binh sỹ quân đội tấn công dinh thự của Thủ tướng Gomes, chiếm giữ trụ sở của đảng cầm quyền và đài phát thanh quốc gia.

Tình hình ở quốc gia Tây Phi này gia tăng bất ổn kể từ khi Tổng thống Malam Bacai Sanha, 64 tuổi, qua đời tại một bệnh viện ở Paris, Pháp vì những biến chứng bệnh tiểu đường.

Sau vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, năm trong số chín ứng cử viên bác bỏ kết quả sơ bộ mà Ủy ban Bầu cử quốc gia công bố.

Theo tạp chí Jeune Afrique, cuộc đảo chính vừa qua ở Guinea Bissau không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích vì trước đó đã có những dấu hiệu rõ rệt.

Bắt đầu là cuộc binh biến không thành ngày 26/12/2011 trong khi Tổng thống Sanha đang điều trị ở Pháp. Tiếp đó, Tổng thống Sanha qua đời càng khiến bầu không khí ngột ngạt. Giới phân tích cho biết, Tổng thống Sanha từ năm 2009 đã giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Thủ tướng Gomes và quân đội.

Là trụ cột thực sự của chính quyền và là người chủ trương thỏa hiệp, Tổng thống Sanha dường như là thành trì cuối cùng ngăn chặn đảo chính.

Tiếp đến, sau vòng một bầu cử tổng thống, tình hình Guinea Bissau lâm vào bế tắc khi phe đối lập không công nhận kết quả đã được các nhà quan sát quốc tế hợp thức hóa.

Sức ép của quân đội đối với Thủ tướng Gomes ngày càng gia tăng, và cuối cùng Thủ tướng Gomes buộc phải thông báo số lính Angola thuộc Phái bộ quân sự kỹ thuật hỗ trợ cải cách quốc phòng và an ninh (MISSANG) sẽ rút khỏi Guinea Bissau.

Giới phân tích coi MISSANG là một lực lượng chỉ để bảo vệ Thủ tướng Gomes, một nhân vật thân cận với Luanda/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục